Hà Nội

Tai nạn giao thông - Hệ quả khủng khiếp của thói vô cảm

06-02-2014 06:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việt Nam là nước có tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đứng hàng đầu toàn cầu. Trung bình mỗi năm, số người thiệt mạng về TNGT ở nước ta là trên 12.000 người - tương đương dân số một xã hay một phường, gấp hàng trăm lần số người chết mỗi năm ở Việt Nam vì đại dịch HIV/AIDS.

Việt Nam là nước có tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đứng hàng đầu toàn cầu. Trung bình mỗi năm, số người thiệt mạng về TNGT ở nước ta là trên 12.000 người - tương đương dân số một xã hay một phường, gấp hàng trăm lần số người chết mỗi năm ở Việt Nam vì đại dịch HIV/AIDS. Giữa tháng 11/2013, đại lễ cầu siêu lần thứ 2 (tại chùa Bái Đính, Ninh Bình) cho những người bị chết vì TNGT là tiếng kêu khẩn thiết đối với những oan hồn của TNGT!

Ảnh hưởng xấu đến giá trị Việt và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Ông Alfred Ried, nguyên HLV trưởng Đội tuyển bóng đá Việt Nam, khi trả lời các nhà báo vì sao ông ngại đi du lịch ở Việt Nam, đã nói: “Giao thông là vấn đề rất quan trọng đối với những người ngoại quốc chúng tôi. Tôi nói các bạn đừng giận nhé: Người Việt Nam khi ra đường, thì thú thật, họ cứ như là... mất trí”. Á hậu Thế giới người Việt, Terech Sam, từ Anh quốc về Việt Nam, ngồi xe ôtô đi trên đường phố Hà Nội mà nhiều lúc cô thót tim vì sợ bị va quệt, tai nạn chết người có thể đến bất cứ lúc nào. Cô nói: “Giao thông ở Hà Nội quả thật làm em sợ quá”. Có nhà báo hỏi: “Theo cô, phải như thế nào để giải quyết tình trạng này?”. Cô đã thành thật trả lời: “Em nghĩ là mọi người cần phải thể hiện lòng tự trọng khi tham gia giao thông”.

Bà Y-u-li Giê-ni, văn sĩ nổi tiếng người Đức, cuối năm 2010, sau 4 tuần du lịch Việt Nam suốt từ Bắc vào Nam, khi trở về Đức, bà viết cuốn Nhật ký Du lịch Việt Nam gây xôn xao trong giới văn chương và độc giả nước này. Bà mô tả về giao thông ở Việt Nam: “Tắc đường có vẻ như là chuyện đương nhiên (bất khả kháng), mọi thứ đều quay cuồng. Đây không phải là giao thông nữa, mà là một màn xiếc tập thể... Tôi không thể hiểu rằng, tại sao một gia đình, gồm vợ chồng và hai đứa con có thể thoải mái ngồi trên một chiếc Vespa! Tôi không thể hiểu rằng, người ta lại có thể chở nguyên cả một cái tủ đá (tủ lạnh) bằng xe máy! Tôi không thể biết rằng, người ta lại có thể vừa hút thuốc lá, vừa gọi điện thoại di động, vừa giữ một đứa bé trong lòng khi đang đi xe máy”. Bà kinh hoàng về giao thông ở Hà Nội: “...Đây không phải là môi trường, là không khí nữa, mà là một nồi súp nóng khiến tôi rơi vào tình trạng mê man, một tình trạng mà ở đó sự khác biệt giữa cái sống và cái chết chẳng còn ý nghĩa gì”. Và nữ văn sĩ dẫn lời một người bạn Đức khi nhìn cảnh tượng giao thông bát nháo ở Hà Nội: “Họ không sợ chết! Một chị bạn người Đức lái xe máy nói với tôi qua mũ bảo hiểm... Tham gia giao thông ở Việt Nam cần ý chí dũng cảm và “không sợ chết !” (Báo Người Cao tuổi, ngày 20/9/2011).

Tình trạng giao thông hỗn loạn, bát nháo và TNGT ở Việt Nam khủng khiếp như vậy, khiến ông Greig Craft - Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIPT) trong cuộc họp báo ngày 14/3/2007, tại Hà Nội, công bố về “Ngày Sáng tạo Việt Nam - 2007” với chủ đề An toàn giao thông, đã phải lên tiếng: “Cần hành động ngay vì sự an toàn giao thông tại Việt Nam”! Theo ông, vấn nạn giao thông tại Việt Nam thực sự là một cuộc chiến khốc liệt, bởi nó đã gây ra những tổn thất hết sức to lớn về kinh tế - xã hội và gây đau thương cho các gia đình nạn nhân. Thế đấy, thế giới rất lo ngại về vấn đề an toàn giao thông ở Việt Nam, còn người xứ ta lại cứ dửng dưng, vô cảm khi hàng ngày tự coi thường tính mạng của chính mình và gây tang tóc cho đồng loại!

Để giảm thiểu TNGT, mỗi người chớ vô cảm khi đi lại trên đường

Xóa đi thói vô cảm khi tham gia giao thông bao gồm mấy điều cốt lõi: Một là - Khi tham gia giao thông, mỗi người phải thấy rằng: Cùng đồng hành với mình còn có bao nhiêu người khác và họ cũng cần được đảm bảo an toàn khi đi đường. Chỉ riêng bản năng của con người “không mất trí” cũng biết tự bảo vệ mình và không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người khác khi tham gia giao thông. Ấy thế mà nhiều người lại quá vô cảm, cố tình không thực hiện. Hai là - Hiểu biết và tuân thủ Luật Giao thông. Đi lại sao cho đúng luật, biết tỏ ra mình là người có học và tử tế, chứ không phải là loại vô học hoặc con nhà trọc phú - tiếc thay đang là điều yếu kém nhất của rất đông người xứ ta. Ba là - Pháp luật phải kịp thời bổ sung, sửa đổi, nêu ra các chế tài xử phạt thật nghiêm, thật mạnh tay với những người vi phạm. Ở các nước tiên tiến, phát triển, nhất là các nước Âu - Mỹ, người ta xử phạt vi phạm Luật Giao thông rất nghiêm khắc, mức phạt rất nặng, cho nên giao thông của họ trật tự, văn minh. Trái lại, việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông của ta rất kém nghiêm minh, mức phạt còn nhẹ. Luật pháp phải sửa đổi, bổ sung và xử phạt thật gắt gao, nghiêm khắc những kẻ cố tình vi phạm Luật Giao thông và chống người thi hành công vụ.

Xóa đi thói vô cảm khi tham gia giao thông tức là nâng tầm văn hóa giao thông cho mọi người, để thiết lập kỷ cương giao thông là yêu cầu, nhiệm vụ bức thiết của nước ta, nhằm giảm thiểu TNGT, đem lại hạnh phúc cho mọi gia đình và tạo cơ hội, khuyến khích người nước ngoài đến đầu tư, làm ăn, học tập và du lịch ở Việt Nam, cải thiện cách nhìn của họ đối với phần đông người Việt! Đây cũng là một trong những nhiệm vụ tối quan trọng để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, gây dựng một nếp sống có văn hóa, góp phần nâng cao phẩm giá con người Việt Nam, đáp ứng với công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

ĐÀO NGỌC ĐỆ

Ý kiến của bạn