Hà Nội

Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân

18-10-2019 07:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng năm 2019 vừa diễn ra mới đây.

Chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm ATGT

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trong thời gian qua, công tác bảo đảm TTATGT luôn được dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Vì thế, tình hình ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, việc Bộ Công an tiếp tục duy trì lực lượng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; ban hành kế hoạch thực hiện cao điểm nghỉ lễ 2/9 và Tháng cao điểm về an toàn giao thông cho học sinh đến trường, chú trọng tuyên truyền và xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... nhất là đối với học sinh, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, ngành GTVT cả nước cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo về xử lý “điểm đen” TNGT và siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; đội ngũ y bác sĩ cả nước đã nỗ lực rất lớn trong việc cứu chữa nạn nhân TNGT, kéo giảm thiệt hại về người do các vụ TNGT gây ra.

Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây nhiều lo lắng cho nhân dân và bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe mô tô, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm quy định trật tự ATGT. Còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2018, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Tai nạn giao thông giảm nhưng vẫn gây bức xúc và lo lắng trong nhân dânPhó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các hạn chế, tồn tại nêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý nhà nước về GTVT còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đăng kiểm, vẫn còn tình trạng mua bán giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội... Việc này, các bộ ngành, địa phương phải báo cáo tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2019. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, đối với các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan cần điều tra nghiêm túc các khâu từ cấp phép giấy phép bằng lái xe, đăng ký, đăng kiểm, quản lý của doanh nghiệp đối với lái xe, kiểm tra nồng độ cồn và có sử dụng ma túy hay không?

Thực hiện nghiêm các giải pháp bảo đảm TTATGT

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết 12 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và những giải pháp đã nêu trong báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia để tiếp tục duy trì đà kéo giảm TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông trong Quý IV năm 2019; xây dựng kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”...

Liên quan đến việc xét nghiệm ma túy, chất kích thích đối với lái xe kinh doanh vận tải, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Y tế tổng kết việc thực hiện công tác xét nghiệm ma túy, chất kích thích thần kinh và nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải; tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe và người học lái xe trên toàn quốc; chuẩn bị tốt điều kiện cứu chữa nạn nhân TNGT trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2020.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT, đặc biệt là trước và trong dịp cao điểm Tết Dương lịch, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18; Nghị quyết số 12 của Chính phủ, Kế hoạch Năm ATGT 2019 tại địa phương; tổ chức Hội nghị kiểm điểm kết quả công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng đầu năm, định hướng nhiệm vụ Quý IV năm 2019.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác quản lý hoạt động vận tải; đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; tập trung xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ trước điểm giao cắt với đường sắt. Xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm TTATGT dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân năm 2020.


TSCT
Ý kiến của bạn