Mới đây, vụ 4 sinh viên trong chuyến đi tình nguyện chết do bị đuối nước tại khu vực suối thần sa (xóm kim sơn, xã thần sa, huyện võ nhai, thái nguyên) làm mọi người bàng hoàng. không dừng ở đó, thời gian qua, từ dòng sông Sêrêpok đến sông Hồng, cửa biển Nhật Lệ, một số sông suối nhỏ tại các địa phương... là nơi đã để lại những cái chết thương tâm cho các em học sinh do tai nạn đuối nước. đây là lời cảnh báo cho những người có trách nhiệm...
Thảm họa này có thể do khách quan, có thể do chủ quan nhưng dù do nguyên nhân nào đi nữa thì chúng ta cũng phải nhanh chóng có những giải pháp cụ thể.
Tai nạn đuối nước xảy ra khi nào?
Trong lúc tiếp xúc với môi trường sống và sinh hoạt, bất kỳ một chất lỏng nào khi xâm nhập vào đường thở làm cản trở sự hô hấp thường gọi là đuối nước. Tình trạng đuối nước sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxygen cung cấp cho não bộ, nếu không được cấp cứu kịp thời thì nạn nhân sẽ bị bất tỉnh, tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề tại não bị thương tổn.
Đối với trẻ nhỏ, luôn luôn phải có người lớn trông nom, chăm sóc, quản lý trẻ ở mọi lúc, mọi nơi |
Khi bị đuối nước, trẻ em bị ngừng thở và nhịp tim bị chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxygen ở trong máu, gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tan máu. Nếu cơn ngừng thở kéo dài khoảng 20 giây đến khoảng 2 - 5 phút nhịp thở xuất hiện trở lại làm cho nước bị hít vào qua nắp thanh quản, gây sự co thắt thanh quản tức thì. Nước tràn vào phế nang gây rối loạn nhịp tim, nạn nhân bị ngừng tim và tử vong.
Nguy cơ gây nên đuối nước
Qua những tai nạn đuối nước xảy ra, nguyên nhân hàng đầu ghi nhận được vẫn là sự nhận thức về tai nạn này đối với trẻ em còn thấp do công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về tai nạn thương tích còn bất cập. Mặc dù ai cũng biết đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nguy cơ tử vong cho nhóm tuổi trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên từ 0 - 19 tuổi nhưng sự hiểu biết, nhận thức của những người lớn, những nhà lãnh đạo và của cộng đồng người dân về vấn đề này còn rất nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng còn bỏ ngỏ, chưa được những người có trách nhiệm quan tâm thảo luận một cách rộng rãi và cụ thể, chưa được giải quyết bằng những biện pháp một cách toàn diện về tai nạn đuối nước ở trẻ em. Thời gian gần đây, các cơ quan thông tin báo chí mới có sự quan tâm đến vấn đề này để cảnh báo những người có trách nhiệm tìm giải pháp để ngăn chặn những tai nạn thương tâm tiếp tục xảy ra.
Một trong những yếu tố chính dẫn đến tỉ lệ đuối nước cao ở trẻ em, đặc biệt là nhóm tuổi nhỏ là thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn; thậm chí chỉ cần một khoảng khắc từ 1 - 2 phút thiếu sự chăm sóc, giám sát của người lớn là tai nạn có thể xảy ra ngay. Theo một nghiên cứu định tính ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ nhỏ không được trông giữ chỉ trong vài phút khi người trông giữ trẻ đi vệ sinh, lấy nước hay làm một công việc gì đó thường ngày. Chỉ cần một vài giây thôi cũng đủ để cho trẻ nhỏ có thể bị rơi xuống ao, xuống giếng hay bể bơi. Đối với nhóm học sinh ở lứa tuổi tiểu học, hầu hết các em không được sự giám sát của người lớn, đặc biệt trong các kỳ nghỉ hè do do các bậc phụ huynh còn bận đi làm việc kiếm sống. Thời kỳ cao điểm hay xảy ra đuối nước ở trẻ em thường là vào thời gian khí hậu nóng bức, các em thích đi bơi lội vì không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.
Trẻ em không được huấn luyện và học kỹ năng bơi lội cũng góp phần tạo nên tai nạn đuối nước. Theo nhiều cuộc điều tra, khảo sát tại nước ta; hầu hết trẻ em bị đuối nước là do không biết bơi lội vì trên thực tế cũng ghi nhận nhiều trẻ em ở Việt Nam không biết bơi. Theo một cuộc điều tra đánh giá nhanh ở một trường trung học cơ sở tại tỉnh Hà Tĩnh, chỉ có khoảng dưới 10% học sinh trong trường có thể bơi được khoảng 25m chiều dài. Qua khảo sát cũng ghi nhận phần lớn các em thường hay chơi đùa ở gần hoặc ở sông suối, ao hồ nên rất dễ có nguy cơ bị tai nạn đuối nước; cha mẹ các em biết bơi nhưng không dạy cho các em biết bơi vì do quá bận rộn với công việc hàng ngày và sợ con mình bị đuối nước khi biết bơi.
Nước ta có bờ biển dài, hệ thống ao hồ, sông suối, kênh rạch chằng chịt ở nhiều nơi. Tuy vậy, hầu như vẫn chưa có những chương trình hành động mạnh mẽ để làm giảm thiểu các nguy cơ đuối nước do môi trường sống và sinh hoạt đem lại. Thực tế ghi nhận nhiều ngôi nhà ở gần sông suối, ao hồ không có rào chắn; các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn. Ở nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều ngôi nhà được xây nổi trên sông cùng với nhà vệ sinh hoặc rất gần với mặt nước. Ngoài ra, một số công trường đang xây dựng có rào chắn không an toàn tại các hố nước hoặc công trình đã xây dựng xong nhưng không bảo đảm việc san lấp các hố nước tại công trình cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Cách phòng tránh đuối nước
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước và tử vong do tai nạn đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em, cần có sự quan tâm, tham gia tích cực, chủ động của toàn cộng đồng, của những người trực tiếp chăm sóc, trông nom trẻ nhỏ; đồng thời cần triển khai nhiều biện pháp tích cực để kiểm soát các nguy cơ và cấp cứu kịp thời khi trẻ bị tai nạn.
Đối với trẻ nhỏ, luôn luôn phải có người lớn trông nom, chăm sóc, quản lý trẻ ở mọi lúc, mọi nơi. Tạo lập môi trường an toàn ở chung quanh trẻ như có rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước chung quanh nhà ở và những nơi công cộng; làm các nắp đậy có khóa các dụng cụ chứa đựng nước trong gia đình; làm cửa chắn, hàng rào, cổng ngăn cách khu vực trẻ chơi với những nơi có nguy cơ gây đuối nước.
Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ không chơi ở những nơi gần sông, hồ, ao, những nơi có biển báo nguy hiểm; dạy trẻ học bơi và các kỹ năng an toàn khi bơi; hướng dẫn cho trẻ cách sơ cấp cứu khi bị đuối nước; dự phòng các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu và các phương tiện cứu hộ để ứng phó kịp thời khi xảy ra đuối nước như phao cứu sinh, dây thừng, ca nô, xuồng cứu hộ, các dụng cụ cấp cứu cá nhân, gia đình...
BS. NGUYỄN TRÂM ANH