Tài mà kích thích thần kinh, gây ảo giác

07-07-2010 08:10 | Thời sự

Cây tài mà hay cần sa có tên khoa học là camnabis satval. Cây có nguồn gốc từ miền núi non hiểm trở trên Hi Mã Lạp Sơn và đã được dân chúng khắp nơi trồng để dùng hoặc để bán từ nhiều ngàn năm. Tiếng Việt còn gọi cần sa là gai dầu, đại ma.

LTS: Trên các số báo trước, báo SK&ĐS đã nêu những tác hại của việc hút tài mà. Để bạn đọc hiểu rõ những tác hại cụ thể của tài mà với sức khỏe, chúng tôi đăng tải bài viết của BS. Vũ Cường.

Ảnh hưởng của cần sa đối với sức khỏe con người.

Cây tài mà hay cần sa có tên khoa học là camnabis satval. Cây có nguồn gốc từ miền núi non hiểm trở trên Hi Mã Lạp Sơn và đã được dân chúng khắp nơi trồng để dùng hoặc để bán từ nhiều ngàn năm. Tiếng Việt  còn gọi cần sa là gai dầu, đại ma.

Nhiều nghiên cứu cho biết cần sa có một số tác dụng không tốt cho sức khỏe.

- Hậu quả gần.

Khi dùng nhiều, cần sa làm giảm trí nhớ về các sự kiện mới xảy ra. Chẳng hạn vừa được giới thiệu tên một người khách mà vài phút sau đã quên bẵng đi; kém tập trung để hoàn tất một việc hơi phức tạp, tỷ mỉ. Cần sa làm rối loạn sự nhận thức và kéo dài thời gian phản ứng, dễ đưa tới tai nạn giao thông.

Cần sa khiến học sinh thiếu tập trung, dành ít thì giờ cho việc học, hay trốn học, kết quả học tập giảm sút rất rõ. Còn các vận động viên mà nghiện cần sa thì suy giảm thành tích thi đấu rõ rệt.

- Về hậu quả lâu dài.

Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học  thấy rằng người hút cần sa mỗi ngày thường hay bị đau ốm vặt. Cần sa làm tiêu hao T-cell (tế bào chính để chống nhiễm khuẩn), đưa đến suy giảm tính miễn dịch. Cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi, khiến ho nhiều có đờm dễ bị viêm phổi. Trong cần sa cũng có những hóa chất có thể gây ung thư phổi như trong thuốc lá. Vài nghiên cứu khác cho biết cần sa có thể đưa đến ung thư hầu họng.

Phụ nữ có thai mà hút nhiều cần sa thì dễ sinh non, con nhẹ cân, thân ngắn, đầu nhỏ, lớn lên trí não kém phát triển. Mẹ hút, cho con bú thì hoạt chất THC từ sữa sang làm ảnh hưởng không tốt tới các cử động, vận động của con.

Ảnh hưởng của cần sa vào người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh mạch máu não rất đáng quan tâm. Cần sa làm tăng nhịp tim, tăng lượng máu qua tim, thay đổi huyết áp, giảm ôxy cho mạch vành tim, tất cả đều đưa tới hậu quả không tốt.

Về chức năng  sinh dục, cần sa có thể làm giảm hormon testosterone, làm teo tinh hoàn, thay đổi hình dạng và sự cử động của tinh trùng, giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, trứng nữ trở thành bất bình thường.

Người dùng nhiều cần sa trở nên phụ thuộc vào thuốc, không có không chịu được và mỗi ngày cần nhiều hơn mới cảm thấy thỏa mãn. Khi nhớ thuốc mà không hít thì ngáp ngắn ngáp dài, mất ngủ, chay nước miếng, đổ mồ hôi, buồn nôn, tay chân run rẩy, nhiệt độ cơ thể tăng, ăn không ngon, trở nên bẳn tính, gắt gỏng, buồn bã.

Cho tới nay, cần sa vẫn được coi như chất kích thích bất hợp pháp. Người trồng cần sa, tàng trữ và lưu hành đều bị pháp luật trừng phạt; người nghiện cần sa được khuyến cáo  cai nghiện.

 Cây tài mà.

Cần sa trong y học

Ở Hoa Kỳ, dược chất cannabinol (giống như hoạt chất có trong cây tài mà) được phép bào chế lưu hành để trị bệnh. Đây là một hóa chất do sự tổng hợp trong phòng thí nghiệm chứ không phải chiết ra từ cây cần sa. Dược phẩm này được chính thức dùng trong hai trường hợp:

- Dùng để giảm thiểu sự nôn mửa của bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất hay phóng xạ, đặc biệt khi dùng các dược phẩm khác không tác dụng. Theo một số nghiên cứu, cần sa công hiệu hơn hai thứ thuốc chống ói mửa thường dùng là compazine và torecan.

-  Thuốc được dùng để kích thích khẩu vị, tăng cân ở bệnh nhân bị ung thư hoặc bệnh AIDS, bệnh Alzheimer vì biếng ăn cũng đã được cho dùng marinol với nhiều kết quả lên cân đáng kể.

Một số nghiên cứu khác về cần sa tập trung vào hoạt chất chính tetrahydrocannbinol (THC) và các chất có liên hệ với THC, được gọi chung là cannabinoids, còn có thể được dùng như phương tiện trị liệu phụ để làm giảm triệu chứng bệnh trong những trường hợp sau:

- Giảm các cảm giác đau đớn của cơ thể sau phẫu thuật, đau nhức mạn tính trong các trường hợp ung thư, chứng đau nửa đầu, đau vì chấn thương.

- Làm giảm sự run rẩy chân tay hay co rút của cơ bắp trong bệnh xơ cứng lan tỏa thần kinh (multiple sclerosis), chấn thương cột sống, tủy sống, bệnh Parkinson, Huntington, hội chứng Tourette, chứng kinh phong.

Khi sử dụng các hoạt chất trên cần có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ, nếu dùng kéo dài cũng sẽ gây nghiện, quá liều gây cảm giác buồn chán, kém tập trung tư tưởng, bồn chồn mặt đỏ, mắt đỏ và đặc biệt là rất ngang bướng. Đôi khi có những thanh niên mới lớn, mới sử dụng thường hay nhức đầu, nôn mửa, vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt và tim đập nhanh hơn, có thể thích nghe nhạc, nói năng, hát múa luyên thuyên, cười, khóc và tự hủy hoại thân thể bằng những trò chơi vô bổ đến ngớ ngẩn.
 

Cần sa là chất kích thích, gây ảo giác

Trong Cần Sa cũng có chất Lysygic Acid Dtethylamide (LSD), mescaline, psilocybin, phencyclidine... là nhóm chất gây ảo giác và kích thích hệ thần kinh trung ương thường gặp nhất là cocain là một chất được chiết xuất từ lá coca. Cần sa còn có các chất gây ngủ như seduxen.

Cần sa có tác dụng khác nhau trên cơ thể tùy theo cách dùng, có người sau khi dùng trở nên như mất cảm giác, tê dại. Họ cười nói huyên thuyên nhưng không gẫy gọn, mạch lạc. Họ như bị thu hút bởi những cảm giác, âm thanh, mùi vị thông thường và thấy những sự việc vụn vặt trở nên hấp dẫn, khêu gợi. Họ cảm thấy khát nước và đói. Tim tăng nhịp đập, miệng khô, đi đứng nghiêng ngả mất thăng bằng, cử động chậm chạp, cặp mắt đỏ ngầu, con ngươi mở to. Huyết áp lên cao, nhất là khi dùng cần sa chung với các thuốc kích thích khác hay với rượu.

Sau đó khoảng vài ba giờ thì triệu chứng phai nhạt dần và người dùng thuốc cảm thấy rã rượi rồi đi vào giấc ngủ triền miên. Người mới dùng lần đầu hoặc dùng quá nhiều có thể có những cảm giác lo sợ, bồn chồn hoặc ý nghĩ hoang tưởng. Đôi khi có người như bị man dại, loạn trí, trầm cảm có ý muốn tự tử, cần được điều trị khẩn cấp.

BS. Vũ Cường


Ý kiến của bạn