Hà Nội

Tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ

06-07-2009 17:13 | Quốc tế
google news

Trong các ngày từ 6-8/7, Tổng thống Mỹ Obama tiến hành chuyến thăm chính thức nước Nga.

Trong các ngày từ 6-8/7, Tổng thống Mỹ Obama tiến hành chuyến thăm chính thức nước Nga. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên kể từ khi ông Obama nhậm chức. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là những hy vọng "tái khởi động" quan hệ Nga-Mỹ sau 7 năm gián đoạn, trong nỗ lực xóa tan lớp băng bao phủ giữa hai cường quốc cũng như nhen nhóm một giai đoạn hợp tác mới dưới thời Medvedev và Obama.

 Liệu quan hệ Nga - Mỹ có nồng ấm trở lại?

Nhìn vào nội dung chuyến thăm, tưởng như không có gì mới. Vẫn là việc Nga-Mỹ tìm kiếm một thỏa hiệp về vấn đề phòng thủ tên lửa (NMD) thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I); vấn đề Afghanistan, Pakistan, chương trình hạt nhân của Iran, chuyện CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa hay tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông... Nhưng, có vẻ như những vấn đề này được bàn dưới những góc độ mới, quan điểm mới ít bó buộc hơn và trong một bầu không khí thân thiện hơn hứa hẹn có thể sẽ mang lại đột phá. Cũng chính vì thế, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo mới của Nga-Mỹ được dư luận quốc tế quan tâm hơn là tự thân những nội dung thảo luận giữa Moscow và Washington.

Ngay khi mới nhậm chức, chính quyền mới của Mỹ đã tiến hành nhiều động thái ngoại giao, cả bằng lời nói và hành động nhằm tái khởi động quan hệ với Nga. Gần đây nhất, trả lời phỏng vấn hãng tin Mỹ AP, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng "những cách tiếp cận thời Chiến tranh lạnh" đối với quan hệ Nga-Mỹ đã thuộc về quá khứ, đồng thời nêu rõ Mỹ mong muốn hợp tác hơn là "mối quan hệ đối kháng". Trên thực tế, chuyến công du của Tổng thống Obama tới Nga có thể hiểu là một cách biến lời nói thành hành động. Đáp lại, Nga cũng đã thể hiện thiện chí của mình khi nhất trí tái khởi động mối quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ và NATO, vốn bị đóng băng trong 10 tháng qua sau cuộc chiến 5 ngày tại Gruzia hồi tháng 8/2008. Việc Nga cho biết sẵn sàng thảo luận với Mỹ về khả năng cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ Nga vận chuyển hàng sang Afghanistan; cắt giảm nhiều hơn nữa số đầu đạn hạt nhân (so với số lượng quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), cũng là hành động "tế nhị" của Nga đối với Mỹ. Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga ông Boris Gryzlov khẳng định rằng "tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ là điều tất yếu" trong bối cảnh thế giới đang thay đổi mạnh mẽ.

Có khá nhiều lý do giải thích cho những thay đổi trong mối quan hệ Nga-Mỹ. Thứ nhất, Tổng thống Obama và Medvedev đều là các chính trị gia thời hậu Chiến tranh lạnh. Tất yếu cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề cũng khác so với những người tiền nhiệm. Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nga và Mỹ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực năng lượng, quân sự, kinh tế... và chịu tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hợp tác sẽ là con đường hữu hiệu để hai nước vượt qua những thách thức hiện nay. Thứ ba, cả Nga và Mỹ đang đứng trước những khó khăn to lớn về an ninh, địa - chính trị đòi hỏi phải duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu. Đơn cử, một mình Mỹ hay Nga không thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chương trình làm giàu uranium của Iran hay thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông... Do đó, sự phối hợp giữa Moscow và Washington là hết sức cần thiết. Một lý do khác không kém phần quan trọng là sự ủng hộ của dư luận chính giới Nga, Mỹ nói riêng, thế giới nói chung đối với sự hàn gắn giữa hai cường quốc này. Lẽ dĩ nhiên, chuyến thăm Nga đầu tiên của một nguyên thủ Mỹ là điều được dư luận trông đợi.

Tuy nhiên, sẽ là quá lạc quan nếu đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm này. Nga vẫn bảo lưu quan điểm hệ thống phòng thủ tên lửa Đông Âu đe dọa an ninh quốc gia của Nga. Trong khi đó, Điện Kremlin đã loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận về việc cắt giảm vũ khí chiến lược trong chuyến thăm Nga từ ngày 6-8/7 của Tổng thống Mỹ Obama. Nói cách khác, 3 ngày của chuyến thăm chắc chắn chưa thể lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa hai bên về lòng tin, về quan điểm. Dù quan hệ Nga - Mỹ đang có sự chuyển biến tích cực phản ánh nhu cầu bức bách trong thời kỳ đầy thách thức hiện nay, nhưng theo các nhà phân tích, quan hệ Nga-Mỹ cần có thêm nhiều thời gian để điều chỉnh. Nói một cách thận trọng như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov là "không nên có những mong đợi quá lạc quan về triển vọng cuộc hội đàm sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev”.            

Nhật Quang


Ý kiến của bạn