Tài khoản ngân hàng không chính danh khiến công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao 'gặp khó'

10-06-2023 17:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Cần rút ngắn thời gian cung cấp thông tin tài khoản

ĐBQH Nguyễn Hải Trung – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho ý kiến về quy định cung cấp thông tin cho cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm. Theo đó, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho rằng, quy định dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian trong thực tiễn của công tác phòng, chống tội phạm, nhất là phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trên không gian mạng hiện nay.

Giám đốc Công an TP. Hà Nội phân tích thêm, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng triển khai truy xét dòng tiền và phong tỏa tài khoản.

Tài khoản ngân hàng không chính danh khiến công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao 'gặp khó' - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì không đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn kịp thời về chuyển tiền vào các đối tượng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, ông Nguyễn Hải Trung cho rằng cần thiết ban hành quy định và rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, cần phải rà soát luật hóa các quy định tính chính danh của tài khoản tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn đảm bảo hiệu lực thi hành tại các văn bản quy phạm pháp luật phải liên thông với nhau, hỗ trợ việc xác định tính chính danh.

Tài khoản ngân hàng không chính danh khiến công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao 'gặp khó' - Ảnh 2.

Các ĐBQH tham gia phiên thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đồng thời trong luật này cần có quy định cụ thể về các điều kiện bắt buộc các tổ chức tín dụng phải có nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất trong nhận diện khách hàng để đảm bảo tính chính danh; yêu cầu tổ chức tín dụng có trách nhiệm rà soát, phát hiện và phối hợp với cơ quan Công an các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tài khoản không chính danh. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị không quy định NHNN có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.

Số hóa để bảo vệ dữ liệu cá nhân

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, các chính sách số hóa hoạt động của ngân hàng là chính sách lớn. Cho rằng việc quy định các chính sách số hóa các hoạt động của ngân hàng cần dựa trên tập hợp các quy định của nhiều Luật khác có liên quan như pháp luật về giao dịch điện tử, an ninh mạng, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Đại biểu nhấn mạnh, số hóa trong lĩnh vực ngân hàng có mức độ chuyên sâu, do vậy dự thảo Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về nội dung này.

Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ. Cụ thể dự thảo Luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tài khoản ngân hàng không chính danh khiến công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao 'gặp khó' - Ảnh 3.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. HCM.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Đơn giản hóa thủ tục vay tiêu dùng cho người dânDự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Đơn giản hóa thủ tục vay tiêu dùng cho người dân

SKĐS - Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn