Hà Nội

Tai họa lơ lửng núp bóng cây xanh

05-06-2014 23:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Đã chớm vào đầu mùa mưa bão, những cơn mưa giông bất ngờ kèm theo gió lốc mạnh khiến cư dân ở những thành phố lớn lo lắng. Có việc đi lại, mọi người thường bảo nhau đi taxi cho...

Đã chớm vào đầu mùa mưa bão, những cơn mưa giông bất ngờ kèm theo gió lốc mạnh khiến cư dân ở những thành phố lớn lo lắng. Có việc đi lại, mọi người thường bảo nhau đi taxi cho... an toàn. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều trường hợp mưa gió làm cây bật gốc đè bẹp hàng chục ôtô, nghiêm trọng hơn là vụ gây tử vong cho tài xế taxi tối 4/6 tại Hà Nội vừa qua khiến nhiều người lo lắng hơn và thêm băn khoăn hơn với thắc mắc: nếu bị cây đè, họ chẳng biết “bắt đền” ai.

Thêm một hiểm họa giao thông mới

Trận mưa giông lớn kèm gió mạnh tại Hà Nội từ khoảng 19h tối 4/6 vừa qua đã khiến hàng chục cây xanh bật gốc, đè lên cả ôtô, gây cản trở giao thông tại nhiều tuyến đường lớn. Trận mưa khá nhanh và lớn hơn mức tưởng tượng của nhiều người khiến cây cối bật gốc, gây một số tai nạn bất ngờ. Đặc biệt là vụ cây cổ thụ đổ tại ngã tư Hùng Vương - Phan Đình Phùng đè bẹp một chiếc taxi khiến tài xế tử vong, còn người khách đằng sau may mắn bị thương nhẹ.

Lái xe này chỉ mất tiền sửa xe mà may mắn thoát chết vì không ở trong xe.

Lái xe này chỉ mất tiền sửa xe mà may mắn thoát chết vì không ở trong xe.

Trên nhiều tuyến phố khác, cây lớn cũng đổ ngổn ngang, đầu phố Huỳnh Thúc Kháng, 2 cây xanh đã bật gốc, tán lá đè lên một chiếc ôtô Camry và Kia Morning đang đỗ khiến 2 chiếc xe bị hư hỏng nhẹ, rất may không có người bên trong.

Trước đó, các trận mưa lớn cuối tháng 5 trên địa bàn TP.HCM cũng liên tiếp làm gãy đổ hàng trăm cây xanh khiến 5 người đi đường bị thương, nhiều tài sản, phương tiện giao thông hư hỏng. Đáng chú ý là vụ cây lim đổ đè gây hư hỏng 3 ôtô liền nhau gồm một chiếc xe hiệu Kia và hai chiếc xe Toyota Fortuner. Các xe đều đang lưu thông trên đường nhưng tài xế chỉ bị thương. Ở khu vực khác trong thành phố, cây đổ cũng khiến hai người đi xe máy bị thương.

Quy hoạch cây lộn xộn

Hà Nội cũng như những thành phố lớn chắc chắn không thể không có những không gian xanh. Cây xanh thực tế là người “bạn” thân thiết với môi trường trong sạch và hài hòa. Bản thân Luật Thủ đô cũng thể hiện rất rõ điều này trong Điều 10 về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị. Thế nhưng, các chuyên gia cho biết quy hoạch cây tại các thành phố hiện khá lộn xộn.

TS. Vũ Thế Long - Giám đốc Trung tâm Phát triển các chương trình xã hội, cũng bức xúc: “Quan niệm trồng cây của Hà Nội hiện rất bảo thủ, lạc hậu. Như người Pháp trồng cây họ phải nghiên cứu có hệ thống. Vì sao họ trồng cây sấu ở đường Trần Hưng Đạo cả dãy dài. Phố Lý Thường Kiệt có hàng cây cơm nguội, cây phượng, cây hoa sữa phố Quang Trung. Nhưng hiện Hà Nội trồng và chặt cây khá tùy tiện, thiếu đồng bộ”.

Đại diện của Công ty Công viên cây xanh TP.HCM cũng phân tích: “Hàng năm, TP.HCM chi khoảng 300 tỷ đồng để chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh. Lực lượng kỹ thuật viên, công nhân tuy lành nghề, nhiều kinh nghiệm, song do địa bàn rộng, chỉ quan sát bằng mắt thường nên khó phát hiện cây bị sâu bệnh trên cao”.

Thêm vào đó, trong quá trình triển khai các dự án mở đường, chỉnh trang vỉa hè trên nhiều tuyến đường, một số nhà thầu thi công đã đào vỉa hè sâu từ 0,2 - 0,5m xâm hại và làm đứt rễ khiến nhiều cây xanh cổ thụ có nguy cơ ngã đổ. Trong khi Công ty Cây xanh được giao duy tu, chăm sóc hơn 90.000 cây xanh với khoảng 100 chủng loại trồng trên 1.200 tuyến đường, khu dân cư, công viên. Tại TP.HCM, có đến 90% cây xanh được trồng tự phát. Người dân chỉ “khoái” các loại cây tăng trưởng nhanh để lấy bóng mát như: da, bàng, trứng cá... nhưng chính các loại đó là cây có gai, nhựa độc hoặc rễ ngang, gây hại cho các công trình, hạ tầng, đặc biệt là dễ ngã đổ, gãy, tét nhánh.

Hạn chế không dễ

Trong số cây bị gãy đổ, hầu như đều có tuổi đời cao, bộ rễ đã mục, nhiều nhánh rễ bị đứt, không bám đất. Theo một số công nhân cây xanh, việc đốn hạ cây bị thối rễ, mục thân không đơn giản. Theo quy định, các xí nghiệp báo cáo lên công ty quản lý. Công ty phải làm công văn xin ý kiến và chờ chủ đầu tư tiến hành xác minh, xử lý theo trình tự thủ tục. Không ít trường hợp chưa kịp xác minh thì sự cố đã xảy ra. Thậm chí cây đã gãy đổ cũng chưa có quy định rõ ràng về việc giao cho đơn vị nào chịu trách nhiệm giải quyết.

Theo đơn vị quản lý cây xanh, thì quy trình, thủ tục cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố phải tuân thủ các quy định cụ thể, ví dụ: cây xanh đường phố phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: cây tiểu mộc có chiều cao tối thiểu từ 1,5m trở lên, đường kính cổ rễ từ 5cm trở lên; đối với cây trung mộc và đại mộc có chiều cao tối thiểu 3m trở lên, đường kính cổ rễ từ 6cm trở lên. Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 15m. Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3 - 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 12m...

Nhưng trên thực tế, kế hoạch trồng cây gì, loại cây gì, số lượng bao nhiêu, khu vực nào và kể cả chi phí... là do Sở GTVT thành phố và các khu quản lý giao thông đô thị quyết định nên xảy ra trường hợp các khu yêu cầu trồng cây kiểu này, kiểu khác không có sự nhất quán.

Còn về việc vì sao không có biện pháp phát hiện cây ốm, bệnh từ sớm để làm thủ tục đốn hạ, tránh ảnh hưởng đến tính mạng người dân, các công ty quản lý cây xanh đều cho rằng hiện chúng ta chưa có kỹ thuật hiện đại để phát hiện cây bị mục, bị thối rễ... mà chủ yếu qua “chẩn đoán” bằng mắt thường cộng với... kinh nghiệm của nhân viên.

Bị hại khó “bắt đền”

Hiện nay chưa có quy định cụ thể phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cơ quan nào. Công ty cây xanh không có trách nhiệm bồi thường, mà chủ yếu là chỉ hỗ trợ cho người dân bị nạn cây đè mà thôi bởi các công ty cây xanh chỉ nhận mình là “chăm cây thuê” cho chủ sở hữu.

Luật sư Hà Hải (Văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự) cho rằng, khi xảy ra thiệt hại, chủ sở hữu cây xanh phải bồi thường thiệt hại. Nếu nguyên nhân sự cố do bên thứ ba gây ra thì sau đó chủ sở hữu có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi thường thiệt hại. Trường hợp giữa các bên không thể thỏa thuận, hòa giải thì có thể khởi kiện để tòa án giải quyết.

Giờ bên cạnh nỗi lo xe điên, tài xế ngủ gật, say rượu, ngáo đá..., người tham gia giao thông còn phải đối mặt thêm một hiểm họa từ chính những cây xanh vẫn hàng ngày thân thiện mang lại bóng mát cho mình. Hiểm họa này lơ lửng trên đầu và chú ý là các thiệt hại về vật chất, thậm chí là tính mạng, người dân phải... tự lo.           

 Bình An

 

 


Ý kiến của bạn