Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Nhiều người dân ở xóm Pác Vầu, xã Quốc Toản cho biết: Nhiều năm nay thường xuyên có tình trạng vứt xác lợn chết tràn lan trên địa bàn. Theo lãnh đạo địa phương, lợn chết vứt tại địa bàn chủ yếu do các chủ hàng vận chuyển lợn từ các tỉnh dưới xuôi lên lợi dụng lúc vắng người, trời tối để vứt xác lợn chết ngay bên đường. Nguyên nhân được người dân cho rằng, xã Quốc Toản là cửa ngõ đi đến các huyện vùng biên như: Trà Lĩnh, Phục Hòa, Trùng Khánh và Hạ Lang, dân cư thưa thớt nên trở thành điểm thường xuyên bị vứt xác lợn chết. Cũng theo người dân nhiều lần kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Xác lợn chết vứt tại lề đường xóm Pác Vầu, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh , Cao Bằng đầu tháng 3.
Ông Lương Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quốc Toản cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương lân cận tăng cường, kiểm soát tình trạng này nhưng do đây là đoạn đường vắng, các đối tượng lại thường vứt vào buổi tối nên rất khó phát hiện để xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết, tình trạng vứt lợn chết bừa bãi tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra vài năm trở lại đây, chủ yếu là lợn chết từ các xe chở lợn hơi vận chuyển lên biên giới Trung Quốc. Có những ngày, có đến vài chục con lợn chết được vứt bừa bãi. Chi cục cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý và tiêu hủy đúng theo quy định để đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch bệnh.
Không chỉ ở các tỉnh miền núi mà ở một số địa phương khác tình trạng vứt lợn chết ở các tuyến kênh mương, nhánh sông vẫn thường diễn ra. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lây lan dịch bệnh trên diện rộng.Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Nguyên nhân là tại các địa phương, cơ sở vẫn chưa ngăn chặn hết các nguồn lây bệnh, một phần là do ý thức của người dân chưa cao, trong đó có việc giấu dịch không khai báo và vứt lợn chết cũng là nguồn lây lan mầm bệnh.
Cần xử phạt thật nặng
Việc thả lợn chết xuống đường, kênh, mương là việc làm thiếu ý thức của một số người dân. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Đồng thời, có thể lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Việc vứt heo bệnh xuống sông, kênh có thể bị phạt với mức phạt khá cao.
Theo luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường được quy định tại điểm a, Khoản 6, Điều 5 Nghị định 90/2017, người vi phạm bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Tại khoản 7 Điều 13 Luật Thú y 2015 cũng có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vứt xác động vật gây ô nhiễm môi trường là một trong những hành vi bị cấm.
Trường hợp đã bị xử phạt hành chính hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức phạt tù tối đa đến 5 năm theo quy định tại Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật).
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để giảm thiểu những tác động xấu của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân nông thôn hiện nay cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, nguồn tài chính hỗ trợ đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ chính môi trường mình đang sinh sống. Về lâu dài, cần có các giải pháp về kiểm tra, kiểm soát môi trường chặt chẽ, trong đó cần quan tâm hơn đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các khu vực nông thôn hiện nay.