Lũ quét, sạt lở đất phức tạp sau bão
Chiều qua, bão số 4 đã đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần khi di chuyển đến khu vực Trung Lào trong đêm qua.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, hôm nay mưa lớn còn tiếp tục ở các tỉnh miền Trung. Trọng tâm mưa là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hoá, Nghệ An. Do mưa lớn tiếp diễn trong nhiều ngày qua với lượng mưa rất lớn nên tại vùng núi phía tây các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là hai loại hình thiên tai nguy hiểm nhất sau mưa bão do tính bất ngờ, không thể dự báo chính xác thời gian, địa điểm xảy ra sự cố.
Trong 24 giờ qua, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to như: Nga Sơn 104mm (Thanh Hóa); Môn Sơn 105,4mm (Nghệ An); Kỳ Sơn 276,6mm (Hà Tĩnh); Hóa Sơn 499,4mm (Quảng Bình); Tà Long 393,4mm (Quảng Trị); Hương Phú 223,6mm (Thừa Thiên Huế); Hòa Bắc 150,6mm (TP. Đà Nẵng);... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong những giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến như sau: Hà Tĩnh đến Quảng Bình từ 30-60mm, có nơi trên 120mm; khu vực Thanh Hóa, Nghệ An từ 10-30mm, có nơi trên 60mm; khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng từ 5-10mm, có nơi trên 20mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Tỉnh/Thành phố | Huyện |
Thanh Hóa | Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân |
Nghệ An | Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương, thị xã Thái Hòa |
Hà Tĩnh | Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang |
Quảng Bình | Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn |
Quảng Trị | Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh |
Thừa Thiên Huế | A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà |
Đà Nẵng | Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu, quận Sơn Trà |
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: Cấp 2. Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Cùng với nguy cơ sạt lở đất, hôm nay và ngày mai, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên thượng lưu các sông từ 3- 6m, hạ lưu các sông từ 2-3m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ tại sông Cả (Nghệ An), thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) và các sông nhỏ lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3; hạ lưu sông Mã còn dưới mức BĐ1; hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) lên mức BĐ1; đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình, Quảng Trị lên mức báo động BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2, các sông nhỏ có khả năng lên mức BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại những vùng trũng thấp ven sông, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kéo dài trong những ngày tới
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hoàn lưu của bão số 4 sẽ gây mưa diện rộng và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho nhiều khu vực trong những ngày tới. Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị có thể xuất hiện mưa với cường suất lớn, lượng mưa có thể trên 100mm trong 3-6 giờ vào ngày và đêm nay khi bão tiếp cận bờ và ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, mưa cũng xảy ra ở Tây Nguyên, Nam Bộ, nam đồng bằng, Thanh Hóa nên cần lưu ý ngập lụt, sạt lở đất.
Đợt mưa này có lượng mưa rất lớn nên các khu vực vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên đều nằm trong cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, hoàn lưu bão vẫn còn ở khu vực phía Tây Bắc Quảng Bình, Hà Tĩnh và vẫn tiếp tục gây mưa trong đêm qua. Tối 21 và ngày 22/9 có thể lại thêm một đợt mưa lớn ở vùng này nên bà con không chủ quan nhé. Khi mưa nhỏ kéo dài và mưa lớn sau đó sẽ kích hoạt các nguy cơ sạt lở và lũ từ thượng nguồn về.
Người dân ở vùng có nguy cơ cao lũ quét cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị nghiêng ngả…
Các dấu hiệu khác như cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi.
Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.
Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra. Khi đó, cần nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương, những người xung quanh để có thể được hỗ trợ kịp thời.
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mưa bão số 4 đã gây ra 77 điểm chia cắt tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, quốc lộ 12A, 9B và một số tuyến đường của tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu, gây gián đoạn giao thông. Tại một số bản làng, người dân không thể đi lại do nước dâng cao.
Tại tỉnh Quảng Trị, một nhà dân ở huyện Gio Linh bị tốc mái do lốc xoáy, tuyến đường Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh lộ bị sạt lở. Khu vực huyện Vĩnh Linh bị mất điện do hệ thống lưới điện bị hư hại.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của trận lốc xoáy vào sáng 18/9, khiến một người bị thương và 12 hộ dân bị tốc mái nhà. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở và bảo đảm an toàn cho người dân. Còn tại TP Đà Nẵng, 25 cây xanh bị ngã đổ và một điểm sạt lở tường rào đã được cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ba yếu tố khiến bão số 4 “nhỏ nhưng có võ”, ban bố rủi ro thiên tai cấp 3 tại các tỉnh miền Trung