Hà Nội

Tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

28-11-2012 11:26 | Tin nóng y tế
google news

Trong hai ngày 27 và 28/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Hội Khoa học Kinh tế Y tế VN tổ chức hội nghị Khoa học kinh tế y tế lần thứ 2 với nội dung chính là Tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Trong hai ngày 27 và 28/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Hội Khoa học Kinh tế Y tế VN tổ chức hội nghị Khoa học kinh tế y tế lần thứ 2 với nội dung chính là Tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Bộ Y tế hiện là đơn vị tiên phong trong các đơn vị sự nghiệp thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Sự đổi mới này nhằm mục đích cuối cùng là bảo đảm cho mọi người có thể tiếp cận kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp về nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng khi có nhu cầu với một chi phí phải chăng, đảm bảo tính công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ y tế”.

Theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch– Tài chính (Bộ Y tế), triển khai thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, toàn bộ người nghèo đã được Chính phủ mua BHYT và tăng mức hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo là 70%, thay vì 50% như trước đây. Tính đến cuối năm 2011 đã có 64,9% dân số tham gia BHYT (trên 57 triệu người). Hầu hết người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi cũng đã được cấp thẻ BHYT. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến. Cũng trong năm 2011, các BV đã khám và điều trị ngoại trú cho gần 69 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT, chiếm 52,9% trong tổng số khám bệnh. Quỹ BHYT được cải thiện đáng kể, năm 2010 và 2011 đã đảm bảo cân đối thu chi.
Tài chính y tế hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân 1
Đảm bảo tính công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ y tế. Ảnh: L.Mộc.

Theo nhận định của PGS.TS Phạm Lê Tuấn, sự ra đời của BHYT ở VN là một bước đổi mới quan trọng nhằm xóa bỏ bao cấp, huy động các nguồn lực của xã hội và thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chia sẻ rằng, nếu muốn có một Quỹ BHYT bền vững thì phải coi BHYT vừa là một chính sách phúc lợi xã hội vừa là nghĩa vụ bắt buộc.

“Hiện tại, 70% số đối tượng tham gia BHYT được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, với số tiền chiếm 40% tổng Quỹ BHYT thế nhưng tỉ lệ tham gia vẫn rất khiêm tốn. Thậm chí ngay cả lao động trong doanh nghiệp là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng vẫn có hiện tượng trốn đóng và có thể bỏ sót các đối tượng có thu nhập cao”- PGS.TS Phạm Lê Tuấn nói.

Về chi trả KCB BHYT, ThS.Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, chi trả KCB BHYT hiện nay vẫn chủ yếu thực hiện theo phương thức phí theo dịch vụ- phương thức tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng quỹ BHYT dẫn đến sự mất cân đối quỹ BHYT và tăng gánh nặng chi trả đối với người bệnh. Do đó, bà Hương cho rằng, đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT cần phải đẩy nhanh việc áp dụng phương pháp thanh toán chi phí dịch vụ phù hợp như: chi trả trọn gói theo ca bệnh hoặc theo “nhóm chẩn đoán”, thanh toán theo định suất.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ chế cấp Ngân sách Nhà nước gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chuyển hình thức cấp Ngân sách Nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp cho đối tượng thụ hưởng thông qua hình thức BHYT, phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn phát triển. Đồng thời, bổ sung giá dịch vụ KCB theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành chi phí của dịch vụ….

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, TS. Soonman Kwon, Hiệu tưởng Trường Y tế công cộng, ĐH Quốc gia Seoul Hàn Quốc cho rằng: “Con đường tới bao phủ toàn dân là khá quanh co tại các nước có thu nhập thấp. Bao phủ toàn dân không chỉ là về tiền, mà cần công cụ quản lý kỹ thuật, công cụ đặc biệt để quản lý nguồn lực. Và nếu Chính phủ không có bao cấp cho người nghèo và khối lao động phi chính thức thì bao phủ toàn dân rất khó thực hiện qua BHYT”.

TS. Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN nhận định: “Trong những năm qua, VN là quốc gia có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách… tham gia BHYT. Và, loại hình BHYT ở VN được thiết kế theo hướng giúp người dân ngày càng có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng hơn nữa”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với dự kiến phát triển BHYT lên khoảng 70% vào năm 2015 sẽ cần khoản chi phí tài chính bổ sung trong giới hạn 2,6 đến 2,8% của GDP (dựa trên mô hình lộ trình của Chính phủ) và 2,9 đến 3,8% của GDP để phát triển bảo hiểm theo chiều rộng và chiều sâu. Chi phí này ước tính tương đương với các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines.

Các chuyên gia cũng dự đoán viễn cảnh tài chính vĩ mô của VN nhìn chung là mạnh mặc dù trong năm nay, dự báo tăng trưởng sẽ đi xuống đôi chút (khoảng 5%) nhưng sẽ tăng từ 6-7% vào năm 2014. Và đến năm 2015, VN sẽ có thể thêm nguồn tài chính cho y tế khoảng 0,8% GDP.

Lâm Mộc

Ý kiến của bạn