Hà Nội

Tái chế chất thải y tế làm giảm tác động xấu đến con người và hệ sinh thái

15-08-2024 17:18 | Y tế
google news

SKĐS - Với khối lượng lớn chất thải y tế phát sinh hàng ngày tại cơ sở y tế, việc tái chế không chỉ giúp giảm tác động đến sức khỏe con người mà còn giúp đảm bảo môi trường và hệ sinh thái xung quanh.

Quản lý chất thải tái chế trong cơ sở y tế

Thống kê vào năm 2023 của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), nước ta có 13.511 cơ sở y tế trong đó có cả các cơ sở khám chữa bệnh và dự phòng (từ Trung ương cho đến địa phương). Trong số đó có hơn 1.500 bệnh viện. Lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các bệnh viện và cơ sở y tế lên đến 600 tấn mỗi ngày. Lượng chất thải y tế ngày càng tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và công tác khám, chữa bệnh ngày càng tăng.

Nếu khối lượng chất thải y tế phát sinh hàng ngày được xử lý sẽ làm giảm tác động xuất đến sức khỏe con người và môi trường, hệ sinh thái. Trong xử lý chất thải y tế, việc quản lý chất thải tốt có thể giúp tái chế được rác thải. Tái chế chất thải y tế không chỉ giúp đảm bảo môi trường mà còn đem lại công việc cho nhiều người. 

Một số chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm sau khi được xử lý sẽ trở thành chất thải y tế thông thường và thực hiện tái chế như bình thường. Có rất nhiều chất thải y tế thông thường sẽ được tái chế để phục vụ hoạt động dân sinh, hoạt động y tế nếu được xử lý đúng cách và đạt tiêu chuẩn.

Tái chế chất thải y tế làm giảm tác động xấu đến con người và hệ sinh thái- Ảnh 1.

Các chai dịch truyền nhựa, dây truyền dịch nằm trong danh sách chất thải y tế có thể tái chế. Ảnh Minh Ngọc

Chất thải y tế nếu tích trữ trong thời gian dài có thể biến đổi hoặc gây ra các chất độc hại cho sức khỏe con người như: các vấn đề về da, hô hấp, sinh sản… Tái chế chất thải y tế giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý này và cải thiện môi trường, sức khỏe cho cộng đồng. Tái chế chất thải y tế còn giúp loại bỏ nơi sinh sản của những sinh vật lâu nhiễm, giảm ô nhiễm không khí do đốt chất thải.

Tái chế chất thải y tế là hoạt động ý nghĩa vừa giảm thiểu được chi phí xử lý chất thải vừa tiết kiệm tài nguyên hơn nữa lại an toàn cho nhân viên y tế, cộng động và góp phần bảo vệ môi trường. Tái chế chất thải y tế hạn chế được tác động đến môi trường, sức khỏe và cộng đồng. Thậm chí, nếu chất thải y tế được xử lý hay tận dụng có thể làm tăng giá trị về kinh tế.

Các chất thải y tế được phép thu gom tái chế

- Giấy, báo, bìa, thùng các-tông, vỏ hộp thuốc và các vật liệu giấy Không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, vi sinh vật gây bệnh hoặc không có yếu tố nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

- Các chai nhựa đựng thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh;

- Các chai nước giải khát bằng nhựa và các sản phẩm bằng nhựa khác sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thường ngày không thải ra từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B;

- Các chai dịch truyền nhựa, dây truyền dịch, bơm tiêm nhựa (không bao gồm đầu sắc nhọn), vật liệu nhựa khác không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh, không chứa yếu tố nguy hại;

Tái chế chất thải y tế làm giảm tác động xấu đến con người và hệ sinh thái- Ảnh 2.

Thùng rác màu trắng chuyên chứa chất thải có thể tái chế tại bệnh viện. Ảnh: Minh Ngọc

- Các chai, lon nước giải khát và các vật liệu kim loại khác sử dụng trong hoạt động sinh hoạt thường ngày Không thải ra từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B.

- Các vỏ chai, lọ, lọ thuốc thủy tinh thải bỏ không dính, chứa các loại thuốc, hóa chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; không thấm, dính, chứa máu của cơ thể, không chứa vi sinh vật gây bệnh.

Các loại chất thải y tế được thu gom vào túi nilon mầu trắng và không để chất thải quá 3/4 túi. Nơi treo túi thu gom chất thải y tế được đặt ở xe tiêm, xe thủ thuật. Chất thải y tế được vận chuyển từ nơi phát sinh đến nơi thu gom tập trung chất thải của bệnh viện ít nhất mỗi ngày một lần và khi cần. Thời gian lưu giữ tối đa tại khoa là 24 giờ và tại bệnh viện là 30 ngày.

Yêu cầu khi tái chế chất thải y tế:

- Nhân viên thực hiện tái chế chất thải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân (găng tay, mũ, khẩu trang, ủng dép…)

- Phân loại chất thải y tế từ các túi chất thải (nhựa, giấy, thuỷ tinh, kim loại).

- Đóng riêng từng loại chất thải y tế vào túi nilon trắng.

- Vật liệu bằng giấy: gấp, buộc gọn và lưu kho

- Cân và ghi khối lượng vào sổ trước khi cất vào kho.



PV
Ý kiến của bạn