TBMMN đặc biệt nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Nguyên nhân gây TBMMN là gì?
TBMMN là tình trạng đột quỵ não do máu đến nuôi dưỡng não rất ít hoặc không đến được do hẹp hoặc do tắc nghẽn động mạch não (nhồi máu não) hoặc do vỡ mạch máu não (xuất huyết não). Người ta gọi đột quỵ não là não bộ bị tổn thương một cách đột ngột do thiếu máu. Khi máu lên não bị thiếu với bất kỳ lý do gì thì các tế bào não bộ sẽ ngưng hoạt động và có thể bị chết trong vài phút dẫn đến cơ thể yếu, tê bì, mất cảm giác nửa người, không nói được (do tê, liệt), miệng méo, mắt nhắm không được hoặc hôn mê ngay sau đó, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều trường hợp được cứu sống nhưng có thể bị tàn phế suốt đời, giảm tuổi thọ và không còn khả năng lao động... Bên cạnh đó, có một số yếu tố thuận lợi tạo nên TBMMN, đó là sự thay đổi đột ngột của thời tiết (nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng). Vì vậy, những bệnh nhân vốn đã có những bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp khi nóng lạnh đột ngột xảy ra (đang ở trong phòng máy lạnh đột ngột đi ra ngoài nóng hoặc đang ở trong nhà ấm ra ngoài đột ngột trong thời tiết lạnh) rất dễ bị TBMMN.
TBMMN dễ gặp ở những người trên 55 tuổi có tăng huyết áp (do xơ vữa động mạch), đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, nghiện thuốc lá, nghiện hoặc lạm dụng bia, rượu, lười vận động. Một số trường hợp TBMMN do rối loạn tuần hoàn não cấp tính. Ngoài ra, chấn thương tâm lý, căng thẳng thần kinh (stress) xảy ra nhiều, liên tục mà không được khắc phục có thể gây rối loạn tuần hoàn não và TBMMN.
TBMMN là một loại bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong cao nhưng nếu qua cơn nguy kịch thường để lại nhiều di chứng làm mất khả năng lao động, giảm trí nhỡ, lú lẫn.
Y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh xoa bóp phục hồi chức năng cho bệnh nhân di chứng sau tai biến.
Biểu hiện của TBMMN
Người có bệnh về huyết áp (tăng huyết áp hay huyết áp thấp), xơ vữa động mạch, đái tháo đường... đột nhiên cảm thấy hơi nhức đầu hoặc váng đầu, choáng váng, tê nửa người, ngáp vặt liên tục cần cẩn thận, có thể là các dấu hiệu tiền triệu của TBMMN (đột quỵ). Vì vậy, triệu chứng của TBMMN thường khởi đầu là nhức đầu, chóng mặt, mất định hướng, yếu một tay, một chân cùng phía, miệng méo, nhân trung lệch sang bên lành, nói khó. Nhiều trường hợp TBMMN xảy ra đột ngột vào ban đêm cho nên bản thân người bệnh và người nhà không thể biết được, khi phát hiện đã hôn mê, đại, tiểu tiện không tự chủ.
Lời khuyên của bác sĩ
Mặc dù TBMMN là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể giảm được nguy cơ bệnh nếu biết cách phòng ngừa. Cần loại trừ các yếu tố nguy cơ gây ra TBMMN và phòng ngừa tái phát đối với bệnh nhân bị đột quỵ não. NCT cần được khám bệnh định kỳ, đặc biệt là những người có bệnh về tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp hay có kèm đái tháo đường hoặc kèm theo tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch. Mùa lạnh, cần mặc ấm, tắm, rửa nước ấm. Không nên tắm vào sáng sớm hoặc chiều tối. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để hạn chế xơ vữa động mạch như hạn chế ăn mỡ động vật, ăn nhiều cá (tốt nhất mỗi tuần ăn 2 - 3 lần cá thay cho ăn thịt), ăn nhiều rau, uống đủ lượng nước hàng ngày (tránh cô đặc máu sẽ hình thành huyết khối). Cần bỏ thuốc lá, không nên lạm dụng bia, hạn chế ăn mặn. Đối với những người đã từng bị đột quỵ não, để phòng tái phát là tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ khám bệnh, đặc biệt là duy trì huyết áp ở mức trung bình.
Cần vận động cơ thể bằng các hình thức thể dục đều đặn, nhẹ nhàng, không tập quá sức mình hoặc đi bộ mỗi lần khoảng 15 - 20 phút, tổng cộng thời gian đi bộ không quá 60 phút.
Khi có triệu chứng khởi đầu của bệnh TBMMN xảy ra, người nhà nên nới lỏng quần áo và để người bệnh nằm ở trên mặt phẳng, gối đầu cao khoảng 30 độ và ở tư thế nằm nghiêng để tránh nguy cơ bị sặc do các chất tiết ra từ miệng. Cần giữ ấm cơ thể cho bệnh nhân để tránh những cơn co giật. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống gì khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ và không tự ý cho bệnh nhân uống bất kỳ một loại thuốc nào. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, hướng dẫn người bệnh thở thật sâu và đều nhằm giúp cho máu lên não tốt hơn. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh đưa bệnh nhân đi xa vì thời gian di chuyển kéo dài càng làm cho tình trạng bệnh sẽ nặng hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.