Tai biến khi vượt cạn

12-06-2012 10:26 | Đời sống
google news

Chảy máu sau đẻ là một tai biến sản khoa thường gặp nhất, là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu nếu không được cấp cứu kịp thời. Chảy máu âm đạo quá 500ml sau đẻ được gọi là chảy máu sau đẻ.

Chảy máu sau đẻ

(SKDS) -  Chảy máu sau đẻ là một tai biến sản khoa thường gặp nhất, là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu nếu không được cấp cứu kịp thời. Chảy máu âm đạo quá 500ml sau đẻ được gọi là chảy máu sau đẻ.

Bình thường, khi chuyển dạ đẻ và trước khi thai xổ, thai phụ có thể ra ít máu (từ âm đạo) do cổ tử cung bị rạn nứt khi mở. Sau khi thai xổ thường có ít máu từ tử cung ra và sau khi xổ, máu từ vùng rau bám chảy ra. Lượng máu mất trong suốt thời kỳ đẻ và xổ rau thường chỉ khoảng 300ml, ta gọi là chảy máu sinh lý. Nếu lượng máu quá 500ml là bệnh lý cần xử lý kịp thời.

Nguyên nhân chảy máu sau đẻ

Máu có thể chảy từ nhiều vị trí khác nhau của bộ phận sinh dục nên ta cần tìm đúng nguyên nhân để xử trí.

Chảy máu do rách tầng sinh môn (TSM), âm hộ, âm đạo: thường máu chảy ra màu đỏ tươi, chưa kịp đông, nhìn thấy ngay vết rách và chỗ chảy máu.

Chảy máu do rách cổ tử cung: máu đỏ tươi chảy ra từ âm đạo, ta phải đặt van âm đạo và dùng hai kẹp hình tim kéo cổ tử cung ra ngoài mới nhìn thấy chỗ rách.

Chảy máu do rau không bong: máu tươi lẫn cục ra nhiều nhưng ấn đáy tử cung rau vẫn không bong.

Chảy máu do sót rau, sót màng: sau khi rau ra, máu tiếp tục chảy qua âm đạo, mỗi lần ấn đáy tử cung lại thấy máu ra tươi và máu cục.

Chảy máu do đờ tử cung: sau khi rau ra, tử cung không co hồi mà vẫn mềm nhão, máu tươi và cả máu cục ra nhiều. Thường gặp ở sản phụ đẻ nhiều lần, cơ tử cung mất tính đàn hồi, gặp ở người đẻ sinh đôi, đa ối do cơ tử cung bị giãn quá mức khi có thai nên co hồi không tốt, còn gặp ở sản phụ chuyển dạ lâu, cổ tử cung mệt mỏi không co hồi được.
 
Đôi khi còn gặp ở người thể trạng suy kiệt do một bệnh toàn thân. Hãn hữu gặp chảy máu sau đẻ do rau bong quá sớm hoặc bong không hoàn toàn do bị kéo cuống rau hoặc do tác động (ấn) đáy tử cung thô bạo. Cuối cùng, cũng đừng quên là chảy máu sau đẻ có thể do vỡ tử cung, rau bong non là những bệnh lý xảy ra trong khi đẻ nhưng đẻ xong mới chảy ra ngoài.
 Rau bong non là một nguyên nhân gây chảy máu sau đẻ.

Cách xác định chảy máu sau đẻ

 

Để xác định tình trạng chảy máu, cần theo dõi số lượng máu chảy ra ngoài âm hộ (nên cho sản phụ nằm trên một săng vải (vuông vải trắng) vô khuẩn màu trắng để theo dõi). Chú ý các trường hợp chảy máu ri rỉ nhưng liên tục. Ước đoán khối lượng máu chảy bằng cách cân số máu chảy ra ngoài (kể cả máu thấm ở săng vải).

Theo dõi tử cung thấy tử cung quá to, quá mềm. Cuối cùng, phải dựa vào thể trạng chung để phát hiện cả chảy máu trong tử cung (máu không chảy ra ngoài): sản phụ vật vã, hốt hoảng hoặc nằm li bì, mặt tái, chân tay lạnh, thở nông, mạch nhanh, huyết áp hạ…

Điều chủ yếu là phải theo dõi sát sản phụ sau đẻ để phát hiện khi máu mới chảy với khối lượng còn ít để việc điều trị được kịp thời và có hiệu quả. Nếu để tới khi mất máu trên 500ml và thể trạng chung đã xấu mới phát hiện được thì việc điều trị trở thành khó khăn, dễ dẫn đến tử vong.

Cách xử trí chảy máu sau đẻ

Ngay khi phát hiện có chảy máu bất thường sau đẻ, phải tìm ngay nguyên nhân gây chảy máu. Nếu rau chưa bong, cần phải xem rau đã bong ra khỏi đoạn dưới chưa để đỡ đau. Nếu rau đã bong ra ngoài rồi thì kiểm tra tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung xem có rách thì khâu lại để cầm máu.
 
  Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Nếu tử cung không co hồi tốt và mềm nhão thì phải xoa bóp tử cung ngoài thành bụng và tiêm vào đáy tử cung 10 đơn vị oxytoxin. Nếu không tìm ra nguyên nhân gì gây chảy máu sau đẻ mà máu vẫn chảy từ tử cung ra thì phải kiểm soát tử cung xem có sót rau, sót màng rau không.
 
Phải làm trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn. Sau kiểm soát tử cung thì tiêm cho sản phụ ergometrin 0,2mg x 1ống (tiêm bắp) hoặc misoprostol 200µg x 1-4 viên ngậm dưới lưỡi hoặc đặt hậu môn và dùng kháng sinh toàn thân và truyền dịch chống choáng. Nếu sau kiểm soát tử cung, máu vẫn chảy thì phải cho sản phụ nằm đầu thấp, chân cao, xoa bóp tử cung qua bụng cho tử cung co hồi lại và gửi đi tuyến trên cấp cứu.
 
Trong khi di chuyển, nếu máu vẫn chảy thì người cán bộ y tế có thể lấy hai bàn tay nắm lại, tay nọ đè lên tay kia đặt lên bụng sản phụ vùng dưới rốn ấn mạnh một lúc để chèn động mạch chủ bụng hoặc có thể ngồi cạnh sản phụ ôm tử cung qua bụng bằng hai bàn tay và bóp chặt cho tới khi đưa đi cấp cứu.

Phòng chống chảy máu sau đẻ

Phát hiện sớm những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau đẻ để gửi lên đẻ ở tuyến trên: những sản phụ sinh đôi, thai to, đa ối, có bệnh nội khoa, chuyển dạ kéo dài, tiền sử có chảy máu sau đẻ: đếm mạch, đo huyết áp quan sát toàn thể trạng, vùng âm hộ, sự co hồi tử cung để phát hiện sớm chảy máu. Đối với những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau đẻ thì sau khi rau ra và kiểm tra không thấy sót rau, tiêm vào đáy tử cung oxytoxin 5 đơn vị. Không kéo vào dây rốn, không ấn thô bạo vào đáy tử cung. Sau khi đỡ rau, kiểm tra kỹ rau để đề phòng sót rau gây chảy máu.  
 
Các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh
 
Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến các tỉnh có xảy ra các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh để làm việc và rút kinh nghiệm với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan ở địa phương.
 
Bộ Y tế cũng đã giao cho Bệnh viện Phụ sản TW và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ngay trong tháng 6/2012 sẽ tổ chức các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến dưới, trước mắt ưu tiên tập huấn cho bệnh viện tuyến tỉnh với các nội dung về theo dõi cuộc đẻ và cấp cứu, hồi sức sản khoa. Dự kiến trong đợt đầu, mỗi tỉnh sẽ có 2 bác sĩ ở khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh được tập huấn.
 
Ðối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn bản hoặc cán bộ y tế thôn bản biết quản lý thai, đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn kể cả phát hiện, xử trí cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời những trường hợp bà mẹ mang thai có nguy cơ. Về chuyên môn kỹ thuật, đào tạo cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh cho cán bộ trực tiếp làm công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo theo kíp, theo địa chỉ, theo nhu cầu.
 

BSCKII. Nguyễn Thị Kim Dung


Ý kiến của bạn