Một người cháu của tôi trong thời gian chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều lo lắng trước áp lực thi cử nên sức khỏe bị giảm sút, thể trạng gầy đi nhiều. Khi khám bệnh, chụp Xquang phát hiện cháu bị nhiễm lao và được bệnh viện điều trị ngoại trú theo phác đồ quy định. Uống thuốc mới được 1 tuần, tai biến đã xảy ra do một số tác dụng không mong muốn của thuốc.
Dùng thuốc là một trong những nguyên nhân gây viêm gan.
Hiện tượng mà người cháu tôi gặp phải có thể nói là một tai biến được xác định do ảnh hưởng của thuốc điều trị chống lao. Sau 1 tuần uống thuốc, cháu có dấu hiệu chán ăn, da và niêm mạc trở nên vàng, sau khi ăn vào lại nôn ra, tình trạng sức khỏe bị suy kiệt nặng. Ba mẹ cháu biết tôi là thầy thuốc nên đến hỏi thăm tình hình. Gia đình đem phim chụp Xquang phổi, sổ khám bệnh, các loại thuốc chống lao được cấp và tôi hỏi: “Thuốc uống đã mấy ngày rồi?”. Cháu trả lời: “Dạ khoảng 1 tuần, sau đó cháu thấy ăn không ngon, ăn vào lại nôn ra, da trở nên vàng và cháu rất mệt; trước khi uống thuốc cháu không thấy tình trạng này”. Sau khi xem xét tôi quyết định cho cháu tạm ngừng ngay việc dùng thuốc và đi tái khám lại, đồng thời bảo cháu cung cấp cho bác sĩ điều trị những thông tin cần thiết về phản ứng cơ thể sau điều trị bằng thuốc.
Với các triệu chứng lâm sàng mà trước khi chưa dùng thuốc chống lao không có, tôi nghi cháu có thể bị viêm gan do dùng thuốc vì gan đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa các chất kể cả thuốc điều trị nên dễ bị tác động xấu của thuốc. Tổn thương gan do thuốc điều trị rất đa dạng nên y văn thường dùng thuật ngữ “viêm gan do thuốc” để chỉ tình trạng này vì trong hầu hết các trường hợp đều thấy hiện tượng viêm gan xảy ra sau khi dùng một số thuốc điều trị.
Những thuốc có thể gây độc cho gan dẫn đến hiện tượng viêm gan do thuốc có rất nhiều loại khác nhau, trong đó nhóm thuốc kháng sinh được quan tâm hàng đầu vì sử dụng khá phổ biến. Thực tế trong những báo cáo về tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh gửi về Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm ADR: adverse drug reaction) ghi nhận tỷ lệ tổn thương gan chiếm 8,9%; thường gặp là do các thuốc chống lao phối hợp isoniazid, rifampicin, ethambutol, pyrazinamid; các loại thuốc khác ít gặp hơn. Các nhà khoa học ghi nhận: Thuốc izoniasid có tác dụng ảnh hưởng làm cho 10% người sử dụng bị tăng men gan, 1% có viêm gan; 0,1% có viêm gan thể tiến triển đột ngột rất nặng; viêm gan xuất hiện chậm và chiếm tỷ lệ khoảng 15% sau 1 tháng. Thuốc rifampicin nếu dùng riêng ít độc cho gan nhưng nếu dùng phối hợp với isoniazid thì dễ phát sinh các chất chuyển hóa gây độc làm cho khoảng 22 - 35% trường hợp có tăng men gan; 5 - 8% có viêm gan; bệnh lý viêm gan có thể xuất hiện nhanh hơn và xuất hiện càng nhanh thì càng nặng; nếu trường hợp có gây mê toàn thân thì dễ xuất hiện thể tiến triển đột ngột rất nặng. Thuốc pyrazinamid có thể gây viêm gan hoại tử cấp tính, thậm chí thể hiện tiến triển đột ngột rất nặng ngay cả khi sử dụng liều thấp. Riêng thuốc ethambutol rất ít khi gây viêm gan.
Trên cơ sở này, tôi đã giải thích, tư vấn chuyên môn cho cháu và gia đình về cơ địa đặc thù của cháu; đồng thời chỉ định tạm ngưng thuốc đang điều trị để theo dõi. Ngừng thuốc hai ngày, cháu ăn uống trở lại được bình thường nhưng tôi vẫn khuyến cáo gia đình nên đưa cháu đi tái khám, đồng thời điện thoại cho một đồng nghiệp quen đang làm việc tại khoa lao của bệnh viện để nhờ xem xét, quan tâm giúp đỡ. Sau tái khám, ba mẹ cháu đã nói với tôi: “Bác sĩ ở bệnh viện cũng giải thích như bác. Có thể gan cháu bị yếu nên bị ảnh hưởng của thuốc điều trị lao. Bác sĩ cho thêm thuốc bổ trợ gan, thuốc vitamin, tăng cường dinh dưỡng và hướng dẫn cụ thể việc dùng thuốc phù hợp”. Sau tạm ngưng uống thuốc chống lao hơn 10 ngày, chỉ dùng thuốc bảo trợ gan, ăn uống dinh dưỡng để phục hồi, cháu lại tiếp tục điều trị bằng thuốc chống lao và định kỳ tái khám; các tác dụng không mong muốn của thuốc không còn thấy xuất hiện nữa. Qua quá trình điều trị, cháu đã khỏi bệnh, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt được kết quả mong muốn trong sự vui mừng của bản thân, ba mẹ, gia đình và bạn bè.
Như vậy, bất kỳ loại thuốc nào ngoài tác dụng điều trị bệnh cũng có thể gây nên những tác dụng không mong muốn hay phản ứng có hại của thuốc tùy thuộc theo cơ địa của mỗi người. Nếu những tác dụng phụ này được phát hiện sớm và có biện pháp xử trí phù hợp thì có khả năng ngăn chặn được tai biến xảy ra do việc dùng thuốc gây nên, đồng thời có biện pháp hỗ trợ để có thể dùng thuốc điều trị bảo đảm an toàn.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
- Tai biến y khoa qua những câu chuyện ở phòng cấp cứu
- Mời tham gia diễn đàn: Tai biến y khoa
- Bác sĩ treo cổ, tai biến sau sự cố y khoa
- Tai biến trong y khoa là điều khó tránh và không ai mong muốn
- tai biến y khoa
- Tai biến y khoa
- “Đừng vì chặt một cây gỗ mục mà làm héo úa cả khu rừng”
- Sự cố y khoa, cần một cái nhìn chỉn chu của báo chí!
- Ai bảo vệ danh dự cho bác sĩ?
- Bác sỉ sản khoa "bật mí" chuyện mổ lấy thai
- Bác sĩ ngoại khoa, máu lạnh?
- Tôi đã làm "từ mẫu" như thế nào?
- Nghề y không phải là một phương tiện thương mại
- Tử vong sau thủ thuật nội soi dẫn lưu mủ bể thận, vì sao?
- Góc khuất nghề y - Chuyện giờ mới kể
- Lỗ thủng?
- Suýt mất vợ vì..tai biến
- Sai lầm chuyên môn y khoa: Phân xử ra sao?
- Sai sót y khoa - 99% do lỗi hệ thống
- Bất ngờ thoát chết sau hơn 4 tháng thở máy, ngừng tim
- Cấy ghép y khoa thiếu an toàn - Tội của các nhà làm luật EU