Tai biến có thể xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê cục bộ

12-06-2014 14:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong các phẫu thuật nhỏ của phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, nhãn khoa...

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong các phẫu thuật nhỏ của phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, nhãn khoa... thuốc tuy tương đối an toàn, nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây ra các tai biến như: rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, dị ứng với thuốc, thậm chí dẫn đến tử vong!

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ,...
Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ,...

Thuốc gây tê cục bộ là những thuốc có tác dụng gây tê một bộ phận nhỏ, cụ thể nào đó trên cơ thể (mí mắt, răng, ngón tay…) do ức chế sự dẫn truyền thần kinh từ các dây thần kinh ngoại biên đến não. Vì vậy, thuốc chỉ làm mất cảm giác đau nhưng không làm mất ý thức và thời gian tác dụng thường chỉ kéo dài trong vài giờ.

Thuốc thường được trình bày ở dạng thuốc tiêm, thuốc xịt, thuốc dùng ngoài (kem, mỡ…).

Thuốc gây tê cục bộ chỉ duy nhất cocain là có nguồn gốc tự nhiên, còn hầu hết các thuốc còn lại như: lidocain, benzocain, tetracain... là những dẫn chất tổng hợp.

Về cấu trúc hóa học được chia làm hai nhóm.

Một số loại thường sử dụng

Lidocain: thuốc gây tê cục bộ rất thông dụng do có tác dụng nhanh, hiệu quả và ít có độc tính. Khi vào cơ thể, lidocain sẽ có tác dụng trong vòng 3 phút và thời gian tác dụng kéo dài từ 30 - 60 phút. Nếu kết hợp với adrenalin, lidocain sẽ kéo dài thời gian tác dụng từ 1 - 2 giờ.

Bupivacain: có hoạt tính mạnh nhưng có nhiều độc tính trên tim hơn lidocain. Khi vào cơ thể, bupivacain sẽ phát huy tác dụng đầy đủ sau 30 phút và thời gian tác dụng kéo dài từ 4 - 6 giờ.

Benzocain là thuốc hấp thu chậm, ít có độc tính, có thể thoa trực tiếp lên da hay niêm mạc.

Các chỉ định điều trị

Thuốc gây tê cục bộ thường được sử dụng trong một số chuyên khoa như:

Nha khoa:

Sử dụng gây tê trong nhổ hay trám răng.

Giúp giảm đau khi thoa trực tiếp lên vùng răng, miệng bị tổn thương như: viêm nướu, sâu răng, loét miệng…

Nhãn khoa:

Sử dụng gây tê trong tiểu phẫu các bệnh lý về mắt như: mắt bị chắp, lẹo, đục thủy tinh thể…

Da liễu:

Sử dụng gây tê trong các phẫu thuật nhỏ về da như loại bỏ mụt ruồi, mụn cóc…

Trong điều trị giảm đau do phỏng (thường sử dụng ở dạng thuốc xịt).

Làm giảm triệu chứng ngứa tại một vùng nào đó của cơ thể.

Phẫu thuật thẩm mỹ:

Sử dụng gây tê trong xăm môi, xăm mắt, hút mỡ bụng...

Ung bướu:

Sử dụng gây tê trong phẫu thuật sinh thiết xác định tế bào ung thư.

Sử dụng trong phẫu thuật khối u não (ở vùng não kiểm soát ngôn ngữ) cần duy trì nhận thức của bệnh nhân.

Ngoài ra, thuốc gây tê cục bộ còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như:

Bệnh trĩ: thuốc gây tê cục bộ có tác dụng giảm đau, ngứa, bỏng rát…ở vùng hậu môn. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở dạng thuốc đạn hay dạng thuốc dùng ngoài (gel, thuốc mỡ…).

Xuất tinh sớm: thuốc gây tê cục bộ được xịt hay thoa trực tiếp lên dương vật trước khi giao hợp, làm giảm cảm giác khi quan hệ nên kéo dài thời gian xuất tinh.

Những lưu ý khi sử dụng

Không sử dụng thuốc gây tê cục bộ với bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thành phần của thuốc.

Thuốc gây tê cục bộ có thể gây ra các tác dụng phụ như tê lưỡi, chóng mặt, mờ mắt, co giật, viêm da dị ứng…hay các tai biến đe dọa đến tính mạng! Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

DS. MAI XUÂN DŨNG

 


Ý kiến của bạn