Hai Phiếm bảo:
- Doanh nghiệp bây giờ thường là “nạn nhân” của tham nhũng, phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu trong các cơ quan công quyền...
- Đấy mới chỉ là nhìn một phía thôi chứ thực tế còn có nhiều doanh nghiệp chủ động hối lộ nhằm đạt được lợi thế trong cạnh tranh trên thương trường. Nhiều khi đưa được hối lộ là niềm vui, là thành công còn không hối lộ được là nỗi buồn, là thất bại.
- Nhưng làm ăn đứng đắn, cứ theo luật mà làm, liệu có ai thích xùy tiền của mình ra cho kẻ không bỏ vốn, không tham gia vào công việc của mình? Bác tưởng kẻ hối lộ không biết xót tiền của của mình à?
- Nhiều quan tham không hề nhũng nhiễu nhé. Doanh nghiệp tìm mọi cách làm quen, tiếp cận để được hối lộ nên mới sinh ra lũ “môi giới hối lộ” đấy!
- Vậy thì không có kẻ hối lộ thì sẽ không có người nhận hối lộ hay là không có người nhận hối lộ thì sẽ không có kẻ hối lộ?
- Muốn biết vế nào có trước thì phải xem phía hối lộ và phía nhận hối lộ, phía nào “thích” hành vi này hơn. Thực tế chắc chắn người ta thích nhận hối lộ hơn là đưa hối lộ.
- Ờ ờ... Phàm người đưa hối lộ thường ở chiếu dưới, khó khăn, nghèo đói hơn kẻ nhận hối lộ là người ở chiếu trên, không khó khăn, đang được trọng vọng.
- Đúng là “tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo về nạn tham nhũng ở Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp đa chỉ ra “nhóm các cơ quan dẫn đầu về mức độ gây khó dễ cho doanh nghiệp đứng đầu là kế hoạch - đầu tư, ngân hàng, kho bạc, tài chính, thuế, hải quan, cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực...”.
- Và hối lộ và nhận hối lộ có cái gốc là “nạn gây khó dễ” khiến doanh nghiệp phải nghĩ cách hối lộ để công việc được trơn tru!
- Vậy ai tạo ra cái nạn này?
- Xem ra chống tham nhũng phải bắt đầu từ các quy định rõ ràng, minh bạch thật. Mọi quy định còn ù tờ mờ thì còn người thích đưa và nhận hối lộ.
CẢ NGHĨ