Ca sĩ tách nhóm để theo đuổi sự nghiệp solo là xu hướng có tiền lệ từ rất lâu. Tuy nhiên, đây có phải tin vui cho fan chung của nhóm hay fan riêng của ca sĩ thành viên hay không còn phải xét ở nhiều yếu tố: mục đích, hướng phát triển và cả thái độ của người nghệ sĩ. Có thể nói, tách nhóm là một quyết định khá “nhạy cảm” bởi không phải ai cũng tìm được chỗ đứng riêng tại nghiệp cầm ca.
Tách nhóm để solo chính là cách các thành viên của nhóm nhạc thể hiện tài năng, cá tính và phong cách riêng. Tuy nhiên, với những nhóm nhạc có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng fan thì vấn đề tách nhóm lại khá “nhạy cảm”, đôi khi còn bị đánh đồng với hiện tượng “sớm nở tối tàn” hoặc lục đục nội bộ.
Không phải ai tách ra solo cũng thành công như Ronan Keating (cựu thành viên Boyzone) hay Shane Filan (cựu thành viên Westlife). Tại thị trường Kpop, hiếm ai tách nhóm mà thành công như G-Dragon hay T.O.P (đều là thành viên của Big Bang); Hay mới đây nhất là nhóm nhạc đàn em SHINee với hoạt động solo của Taemin và Jonghyun đang được fan riêng của từng thành viên và fan chung của cả nhóm ủng hộ hết mình.
Trở lại thị trường nhạc Việt, một trong những nhóm nhạc nam đình đám nhất Hà Nội phải kể đến nhóm Quả dưa hấu. Thành lập vào năm 1998 dưới sự đỡ đầu của nhạc sĩ Ngọc Châu, Quả dưa hấu nhanh chóng trở thành một trong những nhóm nhạc sáng giá với 4 thành viên: Bằng Kiều, Anh Tú, Tuấn Hưng và Tường Văn. Âm nhạc trẻ trung của Quả dưa hấu được ví như làn gió mới trong showbiz Việt thuở sơ khai. Tuy nhiên, nhóm chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, đến năm 2000, Quả dưa hấu chính thức tan rã vì các thành viên bận theo đuổi sự nghiệp solo. Điều đáng mừng là cho đến thời điểm này, Bằng Kiều, Anh Tú, Tuấn Hưng và Tường Văn đều thành công và khẳng định được vị trí riêng trên thị trường âm nhạc nước nhà. Nhưng vẫn phải khẳng định một lần nữa, không phải ai tách ra solo cũng đều thành công như họ...
Ngàn lẻ một lý do
Tách nhóm vì muốn theo đuổi con đường riêng, tách nhóm vì muốn nổi bật, tách nhóm vì chuyện tình cảm cá nhân... Dường như những lý do trên đều có vẻ chính đáng nhưng lại “có vấn đề”. Và đây cũng chính là căn nguyên cho sự thất bại của không ít nghệ sĩ khi dấn thân vào con đường “đơn phương độc mã”.
Nhóm nhạc nào cũng luôn có một thành viên được các fan yêu thích nhất. Có thể là vì ngoại hình long lanh, tài năng nổi bật hoặc tính cách dễ thương. Cô nàng Gil Lê là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Việc rời nhóm đã giúp Gil Lê tự do hoạt động solo cũng như nhận được các hợp đồng quảng cáo riêng, điều mà cô không được phép khi còn ở trong nhóm X5.
Cũng có trường hợp, những thành viên tách nhóm ở trường hợp hai có thể không phải là thành viên nổi bật, cũng không có lực lượng fan riêng hùng mạnh. Họ tách nhóm đơn giản vì con đường mà họ chọn không giống như định hướng của cả nhóm. Sự khác biệt này có thể nằm ở phong cách âm nhạc, concept, biểu diễn cho tới những định hướng khác nhau hoàn toàn như muốn chuyển sang nghiệp diễn xuất, kinh doanh, người mẫu.
Năm 2012, ba cô gái: Lan Trinh, Ngân Khánh, Phương Trinh vừa thành lập nhóm Amigo G chưa lâu thì Ngân Khánh lại ra hát solo. Sau đó, đội hình mới khiến Lan Trinh cảm thấy cô không còn phù hợp với nhóm. Lan Trinh chia sẻ về quyết định rời nhóm: Đã đến lúc tôi cần khẳng định hình ảnh, cá tính mới mẻ và con đường âm nhạc độc lập của mình... Kể từ đó, cái tên Amigo G và cả Lan Trinh đều trở nên mờ nhạt. Ngân Khánh có chút may mắn hơn vì cô lấn sân sang cả lĩnh vực điện ảnh.
Ít xảy ra hơn những trường hợp kể trên, tuy nhiên, việc tách nhóm vì chuyện tình cảm cá nhân đã có trong cả Vpop và Kpop: Duy Uyên rời Mắt Ngọc để đi lấy chồng. Kể từ đó, Mắt Ngọc là cái tên đành phải trôi vào dĩ vãng, ngay cả Duy Uyên sau này cũng không có những hoạt động solo ra tấm ra món.
Liệu đã ổn?
Tách nhóm đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ sẽ phải một mình lo đủ mọi thứ. Không có ông bầu, không có đồng nghiệp cùng nhóm hỗ trợ, từ việc nhỏ nhất như lo chọn trang phục, đầu tóc, make up đến việc lớn như chọn bài, ra album… ca sĩ phải tự lo. Khó khăn chồng chất khó khăn, nếu tách ra từ một nhóm nhạc thành công thì ắt hẳn để vượt qua cái bóng của nhóm nhạc đó còn là điều rất nan giải.
Có thể thấy những nhóm nhạc khác như Tik Tik Tak, Con gái, Tam ca 3A đều đã “im thin thít và lặn mất tăm”. Với Tam ca 3A, chị em Minh Anh, Minh Ánh giờ đây chỉ chuyên tâm vào việc dạy thanh nhạc, thi thoảng xuất hiện ở một vài chương trình ca nhạc mang tính chất kỉ niệm, còn ca sĩ Ngọc Anh cũng sang nước ngoài hoạt động âm nhạc.
Đối với trường hợp của MTV - nhóm nhạc một thời làm mưa làm gió với Sóng tình, giờ chỉ còn Phan Đình Tùng là được khán giả nhớ mặt đặt tên. Lê Minh, Thiên Vương vẫn hoạt động âm nhạc nhưng không tạo được nhiều tiếng vang, Đoàn Phi ra nước ngoài phát triển sự nghiệp, riêng Anh Tuấn, Song Huy thì hoàn toàn... mất hút.
Có lẽ cũng vì sự nan giải trên mà hiện nay, một số nhóm nhạc đang đi theo xu hướng của Hàn Quốc, đó là vẫn duy trì sự hoạt động của nhóm, nhưng cho phép các thành viên solo. Tuy nhiên, áp dụng công thức ngoại chưa chắc đã ổn bởi nhìn vào thực trạng nhạc trẻ Việt hiện nay, hoạt động của các nhóm nhạc không mấy khả quan nếu không muốn nói là khá “đìu hiu”.
Việt Hoàng