Thế nào là tắc tĩnh mạch võng mạc?
Võng mạc là lớp mô nhạy cảm với ánh sáng lót ở bề mặt trong của mắt. Chuyển đổi hình ảnh thị giác sang tín hiệu điện và gửi đến não bộ thông qua dây thần kinh thị giác. Tĩnh mạch võng mạc có nhiệm vụ vận chuyển máu từ võng mạc trở về tim. Tĩnh mạch trung tâm võng mạc chạy dọc trong dây thần kinh thị giác. Các tĩnh mạch võng mạc nhỏ hơn chạy dọc theo lớp trong của võng mạc để dẫn máu vào tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc là bệnh khi một trong các tĩnh mạch nhỏ tại võng mạc bị tắc nghẽn bởi huyết khối. Nếu tĩnh mạch bị tắc nghẽn dẫn lưu máu vùng hoàng điểm thì bệnh nhân sẽ bị phù hoàng điểm và gây giảm thị lực.
Có 2 dạng bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc: Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc: nơi tắc nghẽn xảy ra ở một trong 4 nhánh tĩnh mạch võng mạc (mỗi nhánh dẫn lưu máu cho 1/4 võng mạc mắt). Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: nơi tắc nghẽn xảy ra ở nhánh tĩnh mạch chính tạo bởi sự hội tụ của 4 nhánh tĩnh mạch võng mạc. Khoảng 90% trường hợp tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm gặp ở người 50 tuổi trở lên.
Tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc.
Truy tìm nguyên nhân
Theo các nghiên cứu, 70% người bị tắc tĩnh mạch võng mạc ở những người có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ cứng động mạch và các bệnh tim mạch khác, vì thế cần chú trọng điều trị những yếu tố tim mạch gây nguy cơ cho mắt. Những bệnh làm biến đổi thành phần huyết tương, biến đổi lưu lượng máu hay biến đổi thành mạch cũng là nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch. Ngoài ra, có khoảng 10% người bị tắc tĩnh mạch võng mạc không tìm ra nguyên nhân.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm tăng huyết áp, nồng độ lipid máu cao, bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá và bệnh cườm nước (glaucoma). Chính vì vậy, do yếu tố xã hội công nghiệp ở những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của các bệnh lý toàn thân như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... thì bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc cũng có chiều hướng tăng lên.
Diễn biến của bệnh
Bệnh xuất hiện đột ngột thường ở một mắt, người bệnh nhìn kém đột ngột, mức độ vừa, như nhìn qua lớp sương mù hoặc thị lực giảm trầm trọng trong vòng 2 - 3 ngày. Vùng nhìn của người bệnh cũng bị thu hẹp lại hoặc nhìn thấy đám đen trước mắt. Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh không đau nhức mắt, không đỏ mắt, không chảy nước mắt.
Khám mắt bị bệnh, thầy thuốc phải tra giãn đồng tử để soi đáy mắt sẽ thấy hình ảnh tĩnh mạch võng mạc giãn không đều, động mạch thu hẹp, xuất huyết võng mạc nhiều làm đáy mắt đỏ rực, đôi khi thành đám lớn. Có thể có những xuất tiết bông, xốp trên võng mạc, phù võng mạc lan tỏa, phù hoàng điểm, phù đĩa thị. Ở giai đoạn sau bệnh có biến chứng: phù hoàng điểm dạng nang, tân mạch đĩa thị, tân mạch mống mắt, tân mạch góc tiền phòng hoặc glôcôm tân mạch, xuất huyết dịch kính, teo thần kinh thị giác gây mù lòa cho người bệnh.
Một số biến chứng có thể gặp và tiến triển làm cho thị lực càng xấu hơn: Phù hoàng điểm: gây ra giảm thị lực dai dẳng: Sự tăng sinh tân mạch: tạo thành các mạch máu mới bất thường. Điều này có thể dẫn đến bệnh cườm nước (glaucoma); Bên cạnh đó, những mạch máu mới có thể vỡ gây xuất huyết.
Bệnh võng mạc do tiểu đường dễ dẫn đến mù lòa.
Chẩn đoán và điều trị
Khi có biểu hiện nghi ngờ các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đo thị lực giúp đánh giá mắt nhìn rõ như thế nào tại các khoảng cách khác nhau. Do cơ chế sinh bệnh lại rất phức tạp nên việc điều trị bệnh còn nhiều khó khăn và chưa có phương pháp nào giải quyết triệt để tận gốc bệnh. Mục đích điều trị là kiểm soát và loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng như biến chứng. Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị cụ thể. Trong một số ít trường hợp có thể điều trị bằng laser giúp kiểm soát xuất huyết và phù, thị lực cải thiện ít. Thường laser được sử dụng để ngăn chặn tổn thương xấu đi, vì vậy, dù thị lực không cải thiện nhưng có thể làm giảm mất thị lực nặng hơn.
Đôi khi corticoid được sử dụng giúp kiểm soát phù ở vùng hoàng điểm. Thuốc có thể được chỉ định trong vài tháng hoặc bác sĩ có thể cấy một lượng corticoid vào mắt và nó sẽ tác dụng trong thời gian dài.
Lời khuyên thầy thuốc
Tắc tĩnh mạch võng mạc có liên quan đến bệnh lý toàn thân nên người bệnh phải đến bệnh viện đa khoa khám tổng thể nhằm phát hiện và điều trị ổn định các bệnh toàn thân như tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường hay các bệnh về máu... Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học như ăn uống thức ăn ít chất béo. Vì bữa ăn giàu chất béo và cholesterol có thể làm cho các mảng xơ vữa cứng hơn dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của mạch máu và tăng nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tắc tĩnh mạch võng mạc cũng như duy trì được cân nặng lý tưởng. Bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc...