(Lâm Văn Nên - Ninh Thuận)
Nhiều trường hợp tự bệnh nhân phát hiện ra giãn tĩnh mạch và đi khám. Với việc khám lâm sàng cũng dễ dàng phát hiện ra búi tĩnh mạch giãn, các búi này to lên khi bệnh nhân đứng và nhỏ hơn hoặc mất khi bệnh nhân nằm. Khám sẽ phát hiện nhiệt độ bên tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch cao hơn bên kia. Nhiều trường hợp không rõ, bệnh nhân sẽ được làm siêu âm bìu để xác định đường kính tĩnh mạch tinh, siêu âm doppler giúp khảo sát các thông nối và sự trào ngược máu. Có thể chụp cắt lớp điện toán (CT-Scan) và chụp cộng hưởng từ nhân (MRI) để chẩn đoán giãn tĩnh mạch tinh thứ phát do khối u sau phúc mạc.
Điều trị giãn tĩnh mạch tinh thường không cần thiết nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu giãn tĩnh mạch tinh gây đau, teo tinh hoàn hoặc vô sinh thì cần thiết phải can thiệp để sửa chữa tĩnh mạch giãn. Trong trường hợp đau hoặc cảm giác khó chịu ở bìu có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc kháng viêm non-steroid. Ở tuổi thanh thiếu niên, nếu có tình trạng teo tinh hoàn hoặc bất thường tinh dịch đồ thì có chỉ định xem xét phẫu thuật sửa chữa tĩnh mạch tinh bị giãn.
Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh có thể gây ra một vài biến chứng: tràn dịch màng tinh hoàn (thường gặp nhất), tổn thương động mạch tinh hoàn và tái phát tình trạng giãn tĩnh mạch.
Hiện tại có ba cách thức điều trị đối với tình trạng giãn tĩnh mạch tinh hoàn: phẫu thuật hoặc tắc mạch qua da. Trong trường hợp mổ hở sẽ được thực hiện dưới gây tê vùng hoặc mê toàn thân, đường mổ từ bìu, bẹn hoặc chậu. Hiện nay hay dùng phẫu thuật nội soi với một đường rạch nhỏ ở bụng sẽ đưa thiết bị vào nơi cần chỉnh sửa, bệnh nhân đòi hỏi phải mê toàn thân.
Tắc mạch qua da sẽ tiến hành chụp mạch đồ, sử dụng ống thông xuyên tĩnh mạch háng, tất nhiên làm phải có máy chụp mạch máu xóa nền (DSA) vì vậy không phải nơi nào cũng làm được. Có thể tiến hành ở bệnh nhân ngoại trú vì chỉ cần gây tê, cách điều trị này tốt hơn mổ. Làm tắc tĩnh mạch giãn bằng bóng, cuộn vonfam hoặc chất gây xơ hóa tĩnh mạch.