Mới đây, Khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận bệnh nhân G.T.V.A (23 tuổi) địa chỉ Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình vào viện với tình trạng đau chướng bụng, buồn nôn nôn, bí trung đại tiện. Khai thác yếu tố bệnh sử, được biết bệnh nhân có ăn quả hồng ngâm, sau ăn có biểu hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, đến ngày thứ 10 bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội từng cơn và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Ninh Bình.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, thăm khám và chỉ định cho bệnh nhân kết thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng-chẩn đoán hình ảnh, thống nhất ý kiến chuyên môn, chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn tại ruột non-dạ dày.
Các bác sĩ của kíp phẫu thuật của khoa Ngoại tổng hợp và khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức đã chỉ định phẫu thuật mở bụng làm tan bã thức ăn ruột non đẩy bã thức ăn xuống đại tràng kết hợp mở dạ dày lấy bã thức ăn tại dạ dày.
Trước sự khẩn trương, kịp thời của kíp phẫu thuật, ca mổ diễn ra thành công, an toàn. Sau đó bệnh nhân được chuyển về khoa Ngoại tổng hợp tiếp tục theo dõi, điều trị hậu phẫu. Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân hồi phục ổn định, vết mổ liền khô, ít đau, tự đi lại, ăn uống được.
Được biết, đa phần các trường hợp bệnh nhân tắc ruột do bã thức ăn đều cần phẫu thuật cấp cứu, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ, vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Do vậy, người bệnh nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường tuyệt đối không nên chủ quan, tự ý mua thuốc uống mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán chính xác và có hướng can thiệp kịp thời.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ lưu ý một số vấn đề người dân cần biết về tình trạng tắc ruột do bã thức ăn:
-Tắc ruột do bã thức ăn là một trong những cấp cứu ngoại khoa thường gặp tại các bệnh viện, đa số các trường hợp người bệnh tắc ruột do bã thức ăn đều phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật để làm tan khối bã thức ăn hoặc lấy ra ngoài.
-Đây là hiện tượng xảy ra khi bệnh nhân bị một khối bã thức ăn (nguồn gốc thực vật, động vật, khối lông tóc hoặc khối hỗn hợp nhiều loại) hình thành ở dạ dày rồi di chuyển xuống làm tắc tại ruột non. Đa phần do người bệnh ăn phải những loại thực phẩm có nhiều chất tanin như: hồng ngâm, ổi, sung, hạt hoa quả … và các loại thực phẩm khó tiêu hóa, có nhiều chất bã xơ, sợi dai như: măng, mít, kẹo cao su,… Tanin và chất xơ khi gặp môi trường axit trong dạ dày sẽ gây phản ứng kết tủa, vón lại thành khối bã rắn chắc.
- Đối tượng dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là những người đã từng trải qua phẫu thuật cắt dạ dày, người già răng đã bị rụng, trẻ em…
Dấu hiệu nhận biết tắc ruột do bã thức ăn:
- Đau bụng: Thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Đau xuất hiện đột ngột dữ dội, cường độ ngày càng tăng dần, từng cơn, vị trí thường quanh rốn.
- Chướng bụng: Do thức ăn bị ứ đọng phía trên vị trí tắc, do hơi sinh ra từ thức ăn ứ đọng và nuốt vào nhưng không lưu thông được.
- Buồn nôn, nôn: Nếu tắc cao bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn rất nhiều, tắc thấp có thể bệnh nhân chỉ cảm thấy buồn nôn. Chất nôn lúc đầu là thức ăn, sau đến dịch mật và dịch tiêu hoá.
- Bí trung đại tiện. Bệnh nhân không đánh hơi và đại tiện được. Thể hiện sự ngừng lưu thông trong lòng ruột. Là dấu hiện quan trọng để chẩn đoán tắc ruột.
Phòng ngừa tắc ruột do bã thức ăn:
- Không nên ăn quá nhiều trái cây có vị chát chứa nhiều tanin, không ăn chúng lúc đói hoặc ăn chung với thức ăn có nhiều chất đạm.
- Nên tránh việc nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai vì chúng có thể tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính vào.
- Khi chế biến thức ăn cần nấu chín, ninh nhừ và cần nhai kỹ trước khi ăn.
- Với những người có nguy cơ cao như người già, mất răng, phẫu thuật cắt dạ dày, trẻ em… cần rất lưu ý chọn thực phẩm mềm dễ tiêu.
- Xây dựng thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày để giúp cho ruột được kích thích và dễ dàng co bóp cũng như lưu thông tốt hơn, nên duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất là 2 lít nước/ngày.