Tắc ruột non có thể do nguyên nhân cơ học hay do liệt ruột. Tuy ruột liệt vô động lực hay xảy ra hơn, nhưng thường tự giới hạn và không phải phẫu thuật. Tắc cơ học có thể gây nên bởi những yếu tố nội tại hay ngoại lai. Nếu tắc ruột non hoàn toàn, không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phúc mạc và tử vong.
Vì sao bị tắc ruột non?
Một người bị tắc ruột non thường do các nguyên nhân sau: dính ruột, thoát vị, ung thư chiếm hơn 90% các trường hợp. Dính ruột sau mổ là hay gặp nhất gây tắc ruột non (56%). Thoát vị nghẹt chiếm (25%). Tắc ruột do dính chiếm khoảng 5% bệnh nhân hậu phẫu nội soi. Thoát vị bẹn và thoát vị đùi cũng có thể gặp. Những nguyên nhân khác ít gặp hơn gồm: ung thư, viêm ruột, sỏi mật, xoắn ruột, lồng ruột, áp-xe, các thương tổn bẩm sinh, do giun đũa…
Dính duột sau phẫu thuật dễ gây tắc ruột. |
Dấu hiệu nhận diện tắc ruột non
Khi bị tắc ruột, bệnh nhân thường đau bụng và trướng bụng. Tính chất đau quặn, đôi khi co thắt ở vùng thượng vị hay quanh rốn. Khi tắc, phản xạ ruột non thường gây trướng bụng nhiều hơn. Bệnh nhân bị nôn và bí trung, đại tiện. Nôn thường xảy ra muộn, nếu nôn ra chất phân là do tắc ở đoạn cuối của ruột non. Bí trung, đại tiện rõ nhất khi tất cả phân ở đoạn ruột dưới chỗ tắc được thụt tháo sạch. Khi tắc ruột non hoàn toàn ở giai đoạn sớm có thể khó chẩn đoán.Trường hợp bệnh nhân chỉ bị tắc ruột non bán phần thường tiếp tục trung tiện (đánh hơi) và đi cầu ra ít phân. Tuy nhiên khi tắc ruột non bán phần hay hoàn toàn giai đoạn đầu cũng có triệu chứng tương tự, nên cần phải chú ý phân biệt với tắc hoàn toàn. Khám bụng thường thấy bệnh nhân nhạy cảm đau lan tỏa. Cần chú ý phát hiện thoát vị hay các khối u. Thăm trực tràng thường chỉ thấy một vòm trống rỗng, nhưng đôi khi có thể phát hiện một khối u hay phân bị nêm chặt. Khi ruột bị tắc, dịch ứ đầy lòng ruột do sự giảm hấp thụ và sự tăng tiết dịch. Các dịch tiết của dạ dày, tụy, dịch mật cũng tích tụ trong lòng ruột. Dịch có thể thấm qua thành ruột gây phù thành ruột và có thể rỉ vào trong phúc mạc. Do ứ dịch tại ruột, nôn nhiều làm cho bệnh nhân bị mất nước và chất điện giải nghiêm trọng dẫn đến choáng. Nếu quá trình này kéo dài, ruột giãn ra, tổn thương mạch máu, do áp lực trong lòng ruột tăng lên hay do thắt nghẹt có thể dẫn đến hoại tử và thủng ruột. Vi khuẩn từ ruột đi vào thành ruột bị thương tổn, tăng sinh và xâm nhập vào phúc mạc gây nên viêm phúc mạc dẫn đến tử vong cao.
Khi tắc ruột non hoàn toàn thường khó phân biệt với thắt nghẹt ruột trong giai đoạn sớm. Bệnh nhân thắt nghẹt ruột có thể có sốt, nhịp tim nhanh, nhạy cảm đau rõ rệt ở bụng, cảm ứng phúc mạc, tiếng động ruột bị giảm, hay thấy một khối u ở giai đoạn muộn. Xét nghiệm có thể nhiễm toan chuyển hóa, amylase… Những dấu hiệu Xquang của một tắc quai đóng bao gồm dấu hiệu hột cà phê, xoắn manh tràng, quai căng khí với lòng được ngăn cách bởi một dải ruột phù nề lớn, đặc, dấu hiệu u giả: quai ruột đầy dịch như một khối u. Phim chụp không chuẩn bị có độ nhạy cảm 41 - 86% và tính đặc hiệu 25 - 85%. Chụp CT scan bụng có độ nhạy cảm 100% và tính đặc hiệu 83% nên rất có giá trị chẩn đoán.
Chữa trị và phòng bệnh
Cấp cứu một trường hợp tắc ruột gồm: trợ tim phổi, bồi phụ chất điện giải, đặt ống thông mũi - dạ dày để giảm đè ép, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Do khó phân biệt một tắc ruột non nghẹt với một tắc ruột non hoàn toàn, nên cần hội chẩn ngoại khoa sớm. Nếu tắc ruột không hoàn toàn thường được xử trí không phẫu thuật trong khoảng 48 giờ, nếu không kết quả phải can thiệp ngoại khoa sớm.
Điều trị liệt ruột cần duy trì thể tích trong huyết quản. Hạn chế ăn uống bằng đường miệng, điều chỉnh các chất điện giải, đặc biệt là giảm kali-huyết. Cần đặt một ống thông mũi-dạ dày hay miệng-dạ dày để điều trị triệu chứng trướng bụng và gây khó chịu. Ngưng ngay các thuốc làm chậm nhu động ruột như opiate. Trường hợp liệt ruột kéo dài trên 3 - 5 ngày, cần chụp hình ảnh để phát hiện nguyên nhân gây tắc ruột.
Phòng bệnh: cần điều trị tốt các bệnh là nguyên nhân gây dính ruột, thoát vị, hậu phẫu nội soi, ung thư, viêm ruột, sỏi mật, lồng ruột, áp-xe, giun đũa...
ThS. Bùi Quỳnh Nga