Hà Nội

Tắc ruột non: Nguy hiểm!

27-10-2011 10:37 | Tin nóng y tế
google news

Tắc ruột non có thể do nguyên nhân cơ học hay do liệt ruột. Tắc ruột nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc,

Tắc ruột non có thể do nguyên nhân cơ học hay do liệt ruột. Tắc ruột nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn đến hoại tử ruột, thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong rất cao. Bài viết sau đây sẽ giúp thầy thuốc tuyến cơ sở và bạn đọc phát hiện sớm bệnh để có thái độ xử trí đúng trong phòng và chữa bệnh.

Đối tượng nào dễ bị tắc ruột?

Những trường hợp sau đây dễ bị tắc ruột non: bị dính ruột, thoát vị bẹn, thoát vị đùi, ung thư. Ruột thường bị dính sau khi phẫu thuật ổ bụng chiếm 56%; thoát vị nghẹt chiếm khoảng 25%; ung thư chiếm 10%; khoảng 5% là tắc ruột do các trường hợp phẫu thuật nội soi; các bệnh: viêm ruột, sỏi mật, xoắn ruột, lồng ruột, viêm ruột do bức xạ, áp-xe, các thương tổn bẩm sinh… cũng dễ gây tắc ruột.

 Hình ảnh tắc ruột trên phim chụp cắt lớp.

Cách phát hiện sớm tắc ruột

Một người bị tắc ruột thường có một hay nhiều dấu hiệu sau đây: đau bụng và trướng bụng. Tính chất đau là đau quặn, đau co thắt ở vùng thượng vị hay quanh rốn. Tắc phản xạ ruột non thường gây trướng bụng to. Nôn và bí trung - đại tiện: bệnh nhân không thể đi đại tiện ra phân hay hơi là những triệu chứng có giá trị trong chẩn đoán tắc ruột. Nôn xảy ra muộn, nôn ra chất phân là chỉ điểm của tắc ở đoạn ruột thấp, gần đại tràng. Bí trung, đại tiện chỉ xảy ra sau khi tất cả phân ở dưới chỗ tắc được tháo ra hết. Như vậy nếu bệnh nhân bị tắc ruột non hoàn toàn có thể khó chẩn đoán trong giai đoạn sớm. Còn bệnh nhân bị tắc ruột non bán phần thì vẫn tiếp tục đánh hơi và đi ngoài ra ít phân. Lúc đầu một trường hợp tắc ruột non bán phần hay hoàn toàn có thể có biểu hiện như nhau, chỉ rõ tắc bán phần hay hoàn toàn ở giai đoạn sau. Khi thầy thuốc khám bụng có thể phát hiện dấu hiệu nhạy cảm đau lan tỏa. Có khi phát hiện được khối thoát vị bẹn hay thoát vị đùi hoặc các khối u trong ổ bụng. Thăm trực tràng có thể phát hiện khối u hoặc phân bị nêm chặt. Chụp Xquang thấy mức khí - dịch ở những quai ruột giãn, sắp thành lớp theo kiểu các nấc thang gần chỗ tắc, hoặc các túi khí tròn nhỏ sắp hàng tạo thành dấu hiệu chuỗi hạt trai. Chụp cắt lớp thấy ổ tắc ruột với độ chính xác cao rất có giá trị chẩn đoán tắc ruột.

Lưu ý trong chữa trị và phòng ngừa tắc ruột

Khi ruột bị tắc, dịch bị ứ đầy lòng ruột do giảm hấp thụ ở ruột non kết hợp với sự tăng tiết dịch. Các dịch dạ dày, tụy và dịch mật tích tụ trong lòng ruột. Hỗn hợp dịch này có thể thấm qua thành ruột gây phù thành ruột, hoặc có thể rỉ vào trong phúc mạc. Bệnh nhân bị nôn nhiều gây mất nước và các chất điện giải dẫn đến sốc. Tắc ruột còn gây tổn thương mạch máu do áp lực trong lòng ruột tăng lên hay do thắt nghẹt có thể dẫn đến hoại tử và thủng ruột. Vi khuẩn ở ruột xâm nhập vào thành ruột bị tổn thương, tăng sinh và tràn vào phúc mạc, vào máu, gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong rất cao.

Điều trị một trường hợp tắc ruột cần phải hỗ trợ tim mạch, hô hấp, bù nước và điện giải, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, đặt ống thông dạ dày để giảm áp lực và trướng bụng. Như trên đã nói, vì rất khó phân biệt một trường hợp tắc ruột non bán phần với một tắc ruột non hoàn toàn, nên bệnh nhân và thầy thuốc phải rất cảnh giác phát hiện các dấu hiệu của tắc ruột hoàn toàn để xử lý kịp thời. Bạn nên chú ý rằng một trường hợp tắc ruột không hoàn toàn thường được xử trí nội khoa trong khoảng 48 giờ sẽ biến mất các triệu chứng, do đó các trường hợp triệu chứng tắc ruột kéo dài hơn phải nghĩ đến tắc ruột hoàn toàn.

Phòng bệnh tốt nhất là khám và điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân dẫn đến tắc ruột đã nói ở trên. Mọi trường hợp phẫu thuật ổ bụng dù mổ banh hay mổ nội soi đều phải chú ý phát hiện các dấu hiệu tắc ruột do dính ruột.

Phân biệt liệt ruột và tắc ruột

Liệt ruột là trường hợp ruột không có khả năng nhu động, là bệnh cảnh thường gặp nhất gây tắc ruột. Những nguyên nhân gây liệt ruột thường gặp là: nhiễm khuẩn; do dùng một số loại thuốc như: narcotics, anticholinergics; rối loạn điện giải; tổn thương tủy sống; những trường hợp hậu phẫu. Khi bị liệt ruột bệnh nhân có biểu hiện trướng bụng, nôn và bí trung đại tiện. Đau bụng ít hoặc không đau bụng. Thường không có sốt, công thức bạch cầu bình thường. Khám bụng thấy tiếng ruột bị giảm do giảm nhu động ruột. Bệnh nhân không có dấu hiệu nhạy cảm đau hoặc đau ít. Không có cảm ứng phúc mạc. Chụp Xquang thấy ruột căng phồng một cách tối thiểu khắp toàn bộ đường dạ dày - ruột, với các mức khí và dịch tỏa lan trong ruột non.

Điều trị liệt ruột: truyền dịch để duy trì khối lượng tuần hoàn và điều chỉnh các rối loạn chất điện giải, đặc biệt là giảm kali huyết. Hạn chế ăn uống bằng đường miệng. Đối với bệnh nhân có trướng bụng thường được đặt một ống thông dạ dày để làm giảm căng trướng bụng.  Nếu liệt ruột kéo dài từ 3 - 5 ngày, cần chụp Xquang để phát hiện nguyên nhân gây bệnh và giải quyết nguyên nhân đó.

ThS. Bùi Hữu Thời


Ý kiến của bạn