Thời gian gần đây, vấn đề chi trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa (SGK) ngữ văn các cấp học... đã làm nóng công luận cũng như dư luận. “Nóng” là bởi hơn chục năm qua, nhiều tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK không biết hoặc không nhận được tiền tác quyền từ phía nhà xuất bản (NXB) dù nước ta đã có Luật Xuất bản, Sở hữu trí tuệ...
Không biết, nói gì được trả
Theo Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực chính thức ở Việt Nam từ năm 2006, điều 20 quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Bên cạnh đó, ngày 14/3/2014, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 18 “Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản” thay thế cho Nghị định 61 năm 2002. Những căn cứ về mặt pháp lý đều có đủ, nhưng 10 năm qua, đơn vị xuất bản SGK (NXB Giáo dục) đã chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đối với các tác giả có tác phẩm được in trong SGK các cấp.
Một tên tuổi trong làng văn nước nhà có 4 tác phẩm được sử dụng trong SGK dạy ngữ văn dành cho học sinh bậc tiểu học và trung học phổ thông - nhà văn Ma Văn Kháng cho biết, ông chưa từng nhận được tiền tác quyền từ phía NXB Giáo dục. Nhà văn này chia sẻ, các tác phẩm của ông được dùng trong SGK hiện nay gồm: Mùa đông trên rẻo cao, SGK lớp 4, tập 1; Mùa thảo quả và Hạ trắng, lớp 5, tập 1; Mùa lá rụng trong vườn, lớp 12, tập 2, phần nâng cao. Thế nhưng, từ trước tới nay, nhà văn Ma Văn Kháng nhớ chưa từng được trả tiền.
Trường hợp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thậm chí còn không biết tác phẩm của mình được đưa vào SGK, gần đây, có người “mách” thì ông mới biết. “Họ dùng tác phẩm của tôi mà không một lời thông báo thì nói gì đến chuyện tác quyền” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch. Bên cạnh trường hợp của nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, được biết, có hơn 500 tác giả là các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được sử dụng toàn bộ hoặc trích dẫn trong SGK cũng không (hoặc chưa) được NXB Giáo dục chi trả tiền tác quyền. Trong số tác giả ấy phải kể tới nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Kiên; nhà thơ Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Thanh Hào, Đỗ Trung Quân, Đặng Hiển...
Một số ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên do kiểu tư duy SGK là sản phẩm phục vụ mục đích giáo dục cộng đồng nên không cần phải trả tiền tác quyền. Nhưng theo Phó Viện trưởng Viện Văn học Nguyễn Hữu Sơn, trước đây, SGK đúng là sách dùng cho xã hội (phục vụ việc dạy và học) nên ít ai nghĩ tới việc phải trả tác quyền cho tác giả vì mỗi người viết khi có tác phẩm được sử dụng đã là vinh dự. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Sơn khẳng định, ngày nay, nếu nghĩ như vậy không còn phù hợp bởi chúng ta đã tham gia Công ước Bern năm 2004 (công ước về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó - PV), đồng thời nước ta cũng đã có Luật Bản quyền. Tất cả phải tuân thủ theo luật định.
Chi trả tác quyền cần chuẩn hóa
Trước vấn đề NXB Giáo dục không chi trả tiền tác quyền cho các tác giả có tác phẩm được in trong SGK, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã lập tức tiến hành thống kê số lượng tác giả có tác phẩm văn học được sử dụng trong SGK từ năm 2002 đến nay, con số lên tới hơn 500 tác giả với khoảng 648 tác phẩm văn học từ ngữ văn lớp 1 đến lớp 12. Sau khi có kết quả, Trung tâm đã liên hệ, làm việc với NXB Giáo dục và yêu cầu đơn vị này thực thi nghĩa vụ tác quyền đối với các nhà văn, nhà thơ mà Trung tâm được ủy quyền đại diện.
Ngay sau đó, NXB Giáo dục đã có cuộc gặp gỡ và cam kết sẽ hợp tác với Trung tâm để thực hiện đầy đủ tiền tác quyền cho các tác giả ngay trong tháng 10/2014. Thế nhưng, tính tới thời điểm này, 2 bên vẫn chưa thống nhất được việc sẽ áp dụng mức thu phí như thế nào cho hợp lý. Theo đó, nếu tính theo mục 1, mục 3 trong nhóm 1 điều 13 của Nghị định 18 thì con số chi trả tác quyền cho các tác giả có thể lên tới 20 tỉ đồng. Song, nếu coi SGK tại khoản 12, điều 13: Sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì số tiền tác quyền sẽ chỉ ở 1 tỉ đồng. Thế nên, việc chuẩn hóa chi trả tiền tác quyền giữa NXB Giáo dục với Trung tâm cũng vấp phải những khó khăn nhất định. Được biết, Trung tâm đã có công văn gửi tới Cục Xuất bản để xin ý kiến về vấn đề này.
Đối với NXB Giáo dục, đơn vị này cũng đưa ra cái lý của mình khi cho rằng SGK là xuất bản phẩm đặc biệt, giá sách do Ban Vật giá Chính phủ trước đây và Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính thẩm định chặt chẽ. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục cho biết thêm, mức nhuận bút chi trả cho tác giả không vượt quá tiền công biên soạn cho bài học đó... Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm được in trong SGK cho biết họ không đặt nặng vấn đề NXB Giáo dục phải chi trả cho họ bao nhiêu tiền. Điều các tác giả coi trọng chính là cách ứng xử của NXB Giáo dục, tức là cần minh bạch hóa và “thông báo” tới tác giả khi có tác phẩm của họ được chọn in trong SGK. Đằng này, NXB Giáo dục đã in tác phẩm của tác giả vào SGK, một mặt đã vô tình (hoặc hữu ý) “quên” trả tiền tác quyền, mặt khác lại còn “im lặng” trước tác giả. Rõ ràng điều đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng với những người sáng tạo, đam mê với văn chương chữ nghĩa!
Phạm Quỳnh