Câu chuyện về tác quyền âm nhạc thời gian qua “nóng” trên nhiều kênh thông tin đại chúng vì những “lời qua tiếng lại” giữa đơn vị thực thi với bên chi trả. Và dường như sức “nóng” của vấn đề tác quyền âm nhạc chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Nỗi buồn nối tiếp
Cách đây chưa lâu, chuyện thu phí bản quyền tác giả liveshow Khánh Ly tại Việt Nam khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Chẳng cần nói thêm thì ai cũng biết, Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc để “hòa giải” giữa các bên liên quan. Song tất cả vẫn để lại nhiều câu chuyện “tam sao thất bản” khiến cả danh ca Khánh Ly lẫn nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm Bảo hộ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCMPC) “mất điểm” trong ánh nhìn của công chúng yêu âm nhạc.
Cũng vừa đây, tác giả của ca khúc Tìm lại bầu trời và ca sĩ Tuấn Hưng, người độc quyền bài hát này vừa thể hiện sự bức xúc trên trang cá nhân về việc thí sinh tại một chương trình truyền hình thực tế Việt sử dụng ca khúc mà không được phép. Cụ thể, trong liveshow 4 cuộc thi Nhân tố bí ẩn (X-Factor) phát sóng tối 24/8, thí sinh Quang Đại đã sử dụng ca khúc Tìm lại bầu trời của nhạc sĩ Khắc Việt mà không được nhạc sĩ cho phép. Tất cả, trong đó có nhà tổ chức, VTV và Quang Đại chẳng hiểu vì lý do gì mà... quên mất vấn đề bản quyền?
Theo nhạc sĩ Khắc Việt, anh chỉ muốn ca sĩ Tuấn Hưng sử dụng bài hát này dưới mọi hình thức. Các ca sĩ không chuyên có thể tùy ý cover ca khúc, song khi đã lên sóng truyền hình quốc gia thì người sử dụng phải hỏi ý kiến của “gia chủ”. Anh cũng nhận xét thêm, phần thể hiện của thí sinh Quang Đại đã “làm hỏng cả một kỷ niệm”. Còn ca sĩ Tuấn Hưng cho rằng: “Có một sự coi thường không hề nhẹ của thí sinh cũng như Công ty Cát Tiên Sa với nhạc sĩ Khắc Việt và ca sĩ đang có quyền sử dụng bài hát đó là tôi... Chương trình nào cũng có Giám đốc âm nhạc, người biên tập và chịu trách nhiệm. Vậy mà cố tình sử dụng làm một bản hoà âm “quái gở” để Quang Đại hát. Đó là điều khó chấp nhận được”.
Liên quan đến vấn đề vi phạm tác quyền của chương trình X-Factor đối với ca khúc Tìm lại bầu trời, phía VTV cho biết, Công ty Cát Tiên Sa sẽ là đơn vị giải quyết sự việc này. Theo ông Hà Nam, người phát ngôn của VTV đối với các ca khúc bình thường thì phía Đài Truyền hình Việt Nam sẽ làm việc với VCPMC. Còn với những ca khúc độc quyền thì đơn vị sản xuất là Cát Tiên Sa phải có trách nhiệm tìm hiểu và liên hệ với VCPMC.
Rối như tơ vò
Về vấn đề thu tiền bản quyền âm nhạc, đặc biệt của VCMPC, giới nhạc sĩ cho rằng VCMPC có nhiều việc làm chưa thật sự minh bạch. Ông cho rằng, show diễn của Khánh Ly chỉ là giọt nước tràn ly gần đây nhất. Dù trước đấy, ông đã nhiều lần lên tiếng, nhưng VCPMC dường như vẫn bỏ ngoài tai, không thay đổi cách thức làm việc cũng như cách tính tiền bản quyền. Thế rồi, ngày 1/9/2014, nhạc sĩ Phú Quang xin ngừng luôn cả việc ủy quyền cho VCPMC dưới mọi hình thức và ông cũng cho biết là sẽ tự chịu trách nhiệm về tác quyền đối với tác phẩm âm nhạc cũng như ca từ trong các nhạc phẩm của các nhà thơ.
Trong liveshow Khánh Ly vừa mới diễn ra tại Hà Nội và Đã Nẵng hồi tháng 8 năm nay, VCPMC đòi tác quyền từ đơn vị tổ chức là Công ty Đồng Dao với giá ban đầu là 16 triệu đồng/bài, còn nhạc sĩ Phú Quang lại chỉ lấy 1triệu/bài, cho thấy nhạc sĩ “thoáng” với đơn vị tổ chức. Điều khiến nhạc sĩ Phú Quang không hài lòng với VCPMC là thu tiền một kiểu nhưng trả tiền lại là kiểu khác. Chẳng hạn như các nhạc phẩm của ông từ khi ủy quyền cho VCPMC thu duy nhất chỉ có một bài được trả với giá 1 triệu đồng, số còn lại mỗi bài trả một kiểu, có khi là 500 xuống 100, thậm chí có bài chỉ được trả 10 ngàn đồng. Đã vậy, sổ sách thu tiền không rõ ràng về chương trình gì, diễn ở đâu, diễn vào ngày tháng năm nào cũng không có, dù chỉ là bản sao.
Nhạc sĩ Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam khá bức xúc về cách thu tiền tác quyền của VCMPC. Theo công bố của VCMPC, tiền tác quyền đối với mỗi show diễn được họ tính theo công thức 5% x 75% số vé x giá vé trung bình (đối với các show được tổ chức ở miền Nam) và 5% x 65% số vé x giá vé trung bình (đối với các show được tổ chức ở miền Bắc). Vì theo ông Giám đốc Trung tâm thì các show diễn ở miền Bắc thường ít khán giả và khó tổ chức hơn nên VCMPC có phần ưu ái. Tuy nhiên điều này đã không có được sự đồng thuận của các nhạc sĩ, vì họ cho rằng như thế là phân biệt đối xử. Vả lại ít khán giả mà tỉ lệ phần trăm thấp thì số tiền tác quyền lại càng ít hơn.
Ông Trần Bình cho rằng cách tính trên là do VCMPC đưa ra mà không dựa trên bất cứ quy định hay nghị định nào của pháp luật cũng như không tham khảo ý kiến của giới làm nhạc. Đối với nhạc sĩ Quốc Trung, anh bày tỏ sự nghi ngại về năng lực và cách làm việc của VCMPC nên đã không ký hợp đồng ủy quyền với VCMPC. Theo Quốc Trung, VCMPC mới chỉ quan tâm đến việc khai thác tác phẩm âm nhạc chứ chưa có năng lực bảo vệ quyền của các tác giả trước việc vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan hiện nay.
Quỳnh Dương