Xóa bỏ khoảng cách, gạt bỏ sự kỳ thị và hướng đến tính nhân văn - đó là thông điệp của các tác phẩm nghệ thuật khi nói về người nhiễm HIV/AIDS thời gian qua ở nước ta đề cập tới. Điều đó cho thấy, nghệ thuật luôn gắn liền với sự vận động của đời sống, trong đó có sự đồng hành với những người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.
Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn cho rằng tác phẩm nghệ thuật như phim, kịch về đề tài HIV thường ít thu hút khán giả bởi tác phẩm thường có sự khô khan. Tuy nhiên, bề sâu của các tác phẩm về người nhiễm HIV lại chứa đựng tính nhân văn hơn những “bom tấn” bạc tỷ nhưng chỉ là giải trí, qua đó đưa đến cho công chúng cái nhìn cởi mở và thấu hiểu hơn với những người nhiễm “H”.
Tháng 10 vừa qua, khán giả đã được thưởng thức phim ngắn Lối nào cho yêu thương - tác phẩm nhằm truyền thông về HIV và cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính luyến ái...). Điều đặc biệt là bộ phim đã được công chiếu tại các cụm rạp trên cả nước. Sau một tháng công chiếu thu hút nhiều người xem, bộ phim đã chính thức được phát hành rộng rãi trên mạng xã hội Youtube nhằm lan tỏa rộng hơn thông điệp tới cộng đồng. Bộ phim xoay quanh bác sĩ Khang (nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam đóng) với những yếu tố bất ngờ.
Cảnh trong phim ngắn Lối nào cho yêu thương.
Trong phim, bác sĩ Khang dù đã có gia đình với vợ và con gái nhưng lại đem lòng yêu thương một anh chàng phong lưu, đa tình tên là Tài. Và chính Tài là người đã nói ra sự thật rằng bác sĩ Khang là người nhiễm HIV ngay trong ngày cưới của con gái ông. Từ đây, mọi sóng gió bắt đầu ập đến cuộc đời của vị bác sĩ. Theo nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam, nội dung trong phim ngắn Lối nào cho yêu thương được thực hiện dựa trên một câu chuyện có thật. Vì vậy, thông điệp của phim về căn bệnh và sự kì thị những người có “H” càng trở nên mạnh mẽ. Việc tìm đâu ra một “liều thuốc” để chữa lành những kỳ thị, những phân biệt của người đời đối với người có “H” vẫn là dấu hỏi lớn và bộ phim này đã đem đến cho khán giả câu trả lời, đó là mỗi chúng ta cần sẻ chia, thấu hiểu hơn những con người kém may nhiễm “H”.
Tại lĩnh vực sân khấu, Nhà hát Kịch Việt Nam vừa công diễn vở Một nhà tại Hà Nội, khán giả ngồi chật khán phòng. Một nhà là câu chuyện về 3 nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong xã hội: gái mại dâm, tiêm chích ma túy và đồng tính nam. Mỗi một người, một gia đình có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có cùng chung số phận, số phận của những người nhiễm HIV và bị cộng đồng xa lánh. Cũng bởi thế, vở kịch này phản ánh mỗi cá nhân có chung nỗi đau, sự tuyệt vọng khi bị nhiễm HIV. Nhưng họ đã tìm được hy vọng và niềm vui, hạnh phúc khi tham gia Câu lạc bộ Ngày mai. Nơi đây đã cho họ niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống: nhân vật Cường đã thực sự từ bỏ con đường nghiện ngập, cô gái trẻ tên Duyên dứt bỏ công việc của gái mại dâm và có một gia đình hạnh phúc bên đứa con khỏe mạnh không nhiễm HIV dù cả hai vợ chồng cô đều bị nhiễm “H”... Thông qua vở kịch Một nhà, người xem đến với thông điệp truyền thông ý nghĩa và đúng với thực tế về việc hỗ trợ điều trị căn bệnh AIDS tại Việt Nam trong thời gian tới. Đó là nguồn tài trợ thuốc kháng virut (ARV) dùng để điều trị cho bệnh nhân AIDS của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sắp tới sẽ giảm dần. Giải pháp tốt nhất đối với những người nhiễm HIV là cần phải mua bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục và lâu dài nhằm hướng về một cuộc sống tươi đẹp.
Ngược dòng thời gian, năm ngoái, phim ngắn Cho em mơ cũng nói về người nhiễm HIV đã lấy nhiều nước mắt và chạm đến trái tim nhiều người. Cho em mơ là bộ phim âm nhạc kể chuyện về một cô bé sinh ra trong gia đình ở nông thôn có mẹ bị nhiễm HIV. Bố em là người nghiện ma túy nhiễm HIV và qua đời khi em đang trong bụng mẹ. Vì người mẹ được uống thuốc nên cô bé không bị nhiễm HIV. Ngay sau khi bố em qua đời, gia đình bên nội hắt hủi hai mẹ con, đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà. Mẹ em vừa mang bệnh, vừa xin sữa cho em ăn, tranh thủ mưu sinh ở chợ trong khi thường xuyên phải chịu sự phân biệt đối xử và xa lánh của hàng xóm. Đến một ngày, em đi ngang qua lớp học nhạc, đem lòng yêu âm nhạc và ngày nào đi ngang qua em cũng đứng ở một góc xa để nhìn vào. Một ngày, thầy giáo đến tìm em và trao cho em một cây sáo tỏ ý muốn nhận em vào lớp học. Người mẹ đi làm về nhìn thấy và trong lòng cảm thấy vừa vui vừa buồn...
Rồi đến một ngày nọ, người mẹ quyết định mang em về bên ngoại gửi vì không đủ sức khỏe để chăm sóc em. Người mẹ bỏ lại đứa con thơ với sự đau khổ tột cùng. Khi mẹ bỏ đi, cô bé vẫn luôn nghĩ về mẹ. Đi học nhạc, em cũng không tránh được sự kỳ thị, trêu ghẹo của bạn bè. Nhưng cô bé rất kiên cường vượt qua và cùng với các bạn trở thành nhóm tứ tấu thành công. Cuối cùng, khi lớn lên, chính cô bé đã tham gia các hoạt động xóa bỏ sự kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp của HIV/AIDS.