Hà Nội

Tắc ống lệ mũi ở trẻ sơ sinh, cách nhận biết và điều trị

24-11-2022 15:30 | Y học 360

SKĐS- Tắc ống lệ mũi ở trẻ sơ sinh là tình trạng xảy ra phổ biến, nhưng cha mẹ lại ít để ý. Vậy cách nhận biết tình trạng này và điều trị như thế nào?

Nước mắt được sản xuất bởi tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ. Chúng bao phủ làm ẩm ướt bề mặt nhãn cầu rồi đi vào điểm lệ của mi mắt trên và dưới, đi qua các ống dẫn lệ hay còn gọi là lệ quản rồi đến túi lệ. Cuối cùng nước mắt được đổ vào ngách mũi dưới qua một ngách trong xương mũi còn gọi là ngách lệ mũi hay ống lệ mũi.

Ngoài yếu tố trọng lực và yếu tố mao dẫn, sự co thắt của cơ vòng mi tạo điều kiện cho dòng nước mắt chảy qua hệ thống lệ. Do là một hệ thống dẫn lưu nên dễ bị tắc (tắc lệ đạo). Dù ở đoạn nào, luôn đi kèm với hiện tượng ứ trệ hoặc chảy nước mắt sống (không phải do khóc lóc, cảm động hay kích thích).

photo-1669212860704

Hình ảnh ống dẫn lệ

1.Triệu chứng lâm sàng của tắc ống lệ mũi bẩm sinh

Khoảng 5% trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt do tắc nghẽn ống lệ mũi, thường là do tồn tại của một màng mỏng tại van Hasner (van khóa đầu tận phía xa của ống lệ mũi). Các triệu chứng chính là chảy nước mắt do trào ngược từ chỗ tắc nghẽn của hệ ống dẫn, đóng vảy và tiết dịch quanh mắt do nhiễm trùng hệ thống lệ. Viêm túi lệ mủ có thể xảy ra, thường ở cấp độ thấp, do các sinh vật gây bệnh thông thường. Nhiễm trùng là kết quả của sự ứ đọng vi khuẩn trong môi trường ẩm ướt trong lòng túi lệ. Áp lực lên túi lệ thường tạo ra sự trào ngược dòng chất nhầy qua lỗ tuyến lệ.

Hầu hết trẻ em bị bệnh đều có tiết dịch và đóng vảy quanh mắt nhưng nếu chảy nước mắt là triệu chứng duy nhất thì nên xem xét khả năng teo hệ thống lệ quản và bắt buộc phải loại trừ glocom bẩm sinh.

Đáng chú ý tắc ống lệ mũi điển hình thường không gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Trẻ thường hoạt động bình thường mặc dù có nhiều nước mắt chảy ra và tiết dịch nhầy. Nếu trẻ sơ sinh mắc chứng sợ ánh sáng hoặc các dấu hiệu kích thích khác, thì trẻ cần được kiểm tra các bệnh lý giác mạc và glocom bẩm sinh. Một số trẻ bị tắc nặng hơn có thể kèm ban đỏ trên da và nứt kẽ quanh mắt do tiếp xúc gần như liên tục với chất lỏng. Hình thành áp xe có thể xảy ra trong túi lệ ở trẻ sơ sinh bị tắc ống lệ mũi.

2. Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt

Tắc ống lệ mũi cho đến nay là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy nước mắt và chảy dịch quanh mắt ở trẻ sơ sinh. Sự hiện diện của các liềm nước mắt mở rộng và chảy dịch quanh mắt giúp xác định chẩn đoán. Phần lớn trẻ sơ sinh có những hiện trên là do tắc ống lệ mũi.

Thực tế lâm sàng quan trọng nhất trong chẩn đoán phân biệt tắc ống lệ mũi là bệnh tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh hay glocom bẩm sinh. Bác sĩ nhãn khoa dễ chẩn đoán phân biệt bằng cách phát hiện các triệu chứng khác liên quan đến bệnh tăng nhãn áp như đường kính giác mạc tăng, vân Haab, giác mạc có hình cầu mở rộng, tỷ lệ C/D và nhãn áp tăng.

Với các bác sĩ chăm sóc ban đầu và bác sĩ gia đình điều quan trọng là chuyển đi khám chuyên khoa mắt những trẻ sơ sinh mắc chứng sợ ánh sáng và các dấu hiệu kích ứng mắt khác như dụi mắt quá mức để loại trừ khả năng bị glocom bẩm sinh.

photo-1669212862288

Tắc ống lệ mũi hai bên với hiện tượng chảy nước mắt và đóng vảy quanh mắt.

Bất kỳ kích ứng giác mạc nào ở trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhầm lẫn với tắc ống lệ mũi. Trong số những rối loạn này còn có dị hình mi: Còn nếp quạt mi trên, có thể gây kích ứng do lông mi quay vào trong và một số bệnh lý của giác mạc khác.

Những thực thể trên có thể được xác định bằng các bất thường liên quan đến mi mắt hoặc giác mạc. Viêm kết mạc cũng có thể gây chảy mủ ở mi và mắt nhưng đi kèm những thay đổi ở kết mạc như viêm nhiễm, phù nề, nang hoặc hột trên kết mạc.

3. Hướng điều trị

3.1 Điều trị không phẫu thuật

Phần lớn trẻ sơ sinh bị tắc ống lệ mũi tự cải thiện và khỏi một cách tự nhiên trong vài tháng đầu đời. Do đó, hầu hết các bác sĩ chăm sóc mắt ban đầu đều dùng những biện pháp bảo tồn cho những bệnh nhân này. Nếu trẻ sơ sinh chỉ có các triệu chứng nhẹ có thể không cần điều trị. Nếu xuất hiện chảy nước mắt hoặc tiết dịch đáng kể, thường được khuyên xoa bóp túi lệ bằng đầu ngón tay.

Mục tiêu của xoa bóp là đẩy chất lỏng đi qua ống lệ mũi ở đầu phía xa và làm cho chỗ cản trở phải mở ra. Nếu sử dụng xoa bóp, điều quan trọng là thực hiện kỹ thuật phù hợp, đòi hỏi duy trì áp lực trực tiếp lên túi lệ bằng ngón tay.

Sự hiện diện của dịch nhầy trào ngược qua lỗ lệ chỉ ra rằng áp lực đang được áp dụng một cách thích hợp. Không cần thiết phải vuốt ngón tay theo chuyển động đi xuống trên túi lệ; đè nén túi lệ là yêu cầu duy nhất để xoa bóp phù hợp.

Điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ đôi khi cần thiết nếu có dịch tiết nhiều. Điều quan trọng là những người chăm sóc hiểu rằng lợi ích của kháng sinh tại chỗ thường là tạm thời và các triệu chứng thường tái phát khi ngưng sử dụng.

3.2 Điều trị phẫu thuật

-Thăm dò trong phòng mổ

Nếu trẻ không cải thiện theo thời gian với các biện pháp bảo tồn, điều trị phẫu thuật có thể được chỉ định. Việc thăm dò ống lệ mũi và can thiệp có tỷ lệ thành công khá cao.

Có hai cách tiếp cận chính:

- Thăm dò tại phòng khám ở trẻ sơ sinh còn thức, thường là khi còn nhỏ (6 tháng tuổi trở xuống). Lợi ích của phương pháp này là giải quyết sớm tắc ống lệ mũi và tránh được gây mê toàn thân. Nhược điểm là gây đau đớn và khó chịu cho trẻ trong khi thực hiện. Về lý thuyết, bệnh có thể sẽ tự cải thiện theo thời gian.

- Đợi cho đến khi trẻ lớn hơn và thực hiện thăm dò ống lệ mũi trong phòng mổ với gây mê. Lợi điểm của phương pháp này là ít gây đau đớn, tránh việc điều trị thừa cho trẻ có thể khỏi một cách tự nhiên, thực hiện ở độ tuổi lớn hơn và có thể làm các thủ thuật bổ sung nếu phát hiện những bất thường khác trong khi trẻ đã được gây mê. Nhược điểm chính là những nguy cơ của gây mê toàn thân.

Chi phí cũng là một yếu tố được đem ra so sánh giữa hai cách tiếp cận này. Chi phí thực hiện thủ thuật trong phòng mổ cao hơn nhưng điều này được bù đắp khi tránh điều trị cho nhiều trẻ sơ sinh, hoãn phẫu thuật cho đến khi chúng lớn hơn.

photo-1669212863670

Thăm dò tắc nghẽn đường lệ.

-Thăm dò ống lệ mũi định kỳ

Mục tiêu của thăm dò ống lệ mũi là thiết lập kết nối giữa ống lệ mũi và ngách mũi dưới bằng cách loại bỏ cản trở ở đầu tận của ống, phía xa. Cho dù được thực hiện trong phòng tiểu phẫu hay phòng phẫu thuật, điều này đạt được bằng cách đưa một que thăm dò qua điểm lệ, dọc theo lệ quản đến túi lệ và đi xuống lỗ mũi.

Việc sử dụng thuốc co mạch như oxymetazoline có thể làm giảm chảy máu trong quá trình phẫu thuật. Thuốc được áp dụng trực tiếp qua một miếng gạc ngâm thuốc hoặc bằng cách xịt mũi.

Chảy máu thường xảy ra sau phẫu thuật và thường có thể được kiểm soát bằng cách bóp ngón tay hoặc sử dụng thuốc co mạch tại chỗ. Có thể dùng một đợt kháng sinh tại chỗ ngắn hạn có hoặc không có corticosteroid. Đau sau mổ có thể được kiểm soát bằng acetaminophen hoặc ibuprofen đường uống và hầu hết trẻ sơ sinh sẽ hồi phục nhanh chóng sau thủ thuật. Tỷ lệ thành công của can thiệp là khoảng 80%.

Mời độc giả xem thêm video:

3 loại vi khuẩn trong món cánh gà chiên của trường iSchool nguy hiểm thế nào?



Bs Hoàng Cương
Bệnh viện Mắt Trung ương
Ý kiến của bạn