Tác nhân gây viêm phổi bệnh viện có thể khác nhau giữa các bệnh viện, vùng địa lý và phương pháp chẩn đoán. Có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nhưng phổ biến nhất là loại vi khuẩn gram âm hiếu khí như: Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp, Klebsiella spp, Enterobacter spp, Escherichia coli, Providencia spp; vi khuẩn gram dương như: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae... Những loại vi khuẩn này thường kháng lại với nhiều loại thuốc nên gây khó khăn cho công tác điều trị. Thực tế tác nhân gây viêm phổi bệnh viện có liên quan đến việc thở máy xuất hiện sớm dưới 4 ngày thường do vi khuẩn ít đề kháng kháng sinh nhưng nếu xuất hiện muộn hơn thì thường do vi khuẩn đa kháng thuốc.
Trên thực tế, vi khuẩn xâm nhập vào phổi từ các chất dịch tiết của hầu họng, dịch dạ dày bị trào ngược, các dụng cụ hỗ trợ hô hấp hoặc bàn tay của nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân bị ô nhiễm, đường máu và đường mạch bạch huyết... Các dụng cụ hỗ trợ hô hấp như bình làm ẩm khí oxy, máy khí dung, máy nội soi phế quản, phế dung ký, dụng cụ gây mê... là các ổ chứa vi khuẩn và cơ chế lây nhiễm có thể từ dụng cụ đến người bệnh, từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ một vị trí của cơ thể đến đường hô hấp dưới của cùng một người bệnh qua bàn tay hoặc qua dụng cụ. Bóng ambu giúp thở cũng có thể là nguồn đưa vi khuẩn vào phổi người bệnh qua mỗi lần bóp bóng vì bóng rất khó rửa sạch và làm khô giữa các lần dùng và bóng còn có khả năng bị nhiễm khuẩn qua bàn tay của nhân viên y tế. Vì vậy, cần thực hiện việc giảm nguy cơ lây nhiễm từ các loại dụng cụ y tế sử dụng lại bằng cách rửa sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách. Các máy khí dung thường dùng để phun các loại thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm corticoide cũng là nguồn gây viêm phổi bệnh viện vì máy có thể bị nhiễm khuẩn qua bàn tay của nhân viên y tế, bộ phận chứa thuốc của máy bị nhiễm khuẩn do không được khử khuẩn thích hợp giữa các lần dùng. Dây thở sử dụng với bộ phận làm ẩm là nguồn chứa vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện ở người bệnh thở máy, nước lắng đọng ở đường ống và tụ lại ở bộ phận bẫy nước có thể làm cho dây thở nhanh chóng bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn xuất phát từ vùng miệng và hầu của bệnh nhân; vì vậy cần dẫn lưu tốt nước trong đường ống để tránh gây viêm phổi bệnh viện do nước bị nhiễm khuẩn ở trong đường ống chảy vào phổi người bệnh.
Tại các cơ sở điều trị, nguy cơ gây nên viêm phổi bệnh viện thường bao gồm các yếu tố khác nhau như: yếu tố thuộc về người bệnh, yếu tố do can thiệp y tế, yếu tố từ môi trường và dụng cụ. Mỗi yếu tố có những đặc điểm riêng biệt cần phải được quan tâm để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế sự lây nhiễm.
Vấn đề cần quan tâm
Viêm phổi bệnh viện là vấn đề thực tế có khả năng xảy ra tại các cơ sở điều trị ở tất cả các tuyến, kể cả tuyến trên và tuyến trung ương với rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng; đặc biệt là khi người bị bệnh nặng có sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, máy móc hỗ trợ cho việc hô hấp tại khoa hồi sức tích cực. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng viêm phổi bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu có khả năng dẫn đến tử vong cho người bệnh và có thể chiếm tỉ lệ từ 30 - 70% trong tổng số các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện. Vì vậy đây là vấn đề cần được quan tâm để thực hiện các biện pháp cần thiết, cơ bản nhằm giảm thiểu các nguy hại với trách nhiệm của nhân viên y tế, kể cả người nhà bệnh nhân khi tham gia điều trị và chăm sóc người bệnh.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Mời xem tiếp bài 3: Biện pháp phòng ngừa viêm phổi khi vào viện ra ngày 19/8/2015