1. Tổng quan về u ác tính mũi xoang
Khoang mũi và các xoang cạnh mũi được lót bởi một lớp mô sản xuất chất nhầy (niêm mạc). Niêm mạc có nhiều loại tế bào khác nhau bao gồm tế bào vảy, tế bào tuyến, tế bào thần kinh và tế bào bạch huyết (còn gọi là tế bào lympho). U ác tính có thể khởi phát từ bất kỳ tế bào nào trong số này.
Khối u mũi xoang xuất hiện ở trong khoang mũi xoang, nơi đầu tiên tiếp nhận không khí để hô hấp. Các khối u cạnh mũi có ở các xoang cạnh mũi. U mũi xoang có thể là lành tính hoặc ác tính. Khối u ác tính mũi xoang là tình trạng tế bào ác tính bên trong mũi và xung quanh mũi (khoang mũi) tăng trưởng bất thường. Hiện tượng này khá hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 3% khối u thuộc đường hô hấp trên. Tỉ lệ nam bị u ác tính mũi xoang cao gấp 2 lần so với nữ. U ác tính thường gặp ở lứa tuổi 50-70.
2. Nguyên nhân u ác tính mũi xoang
Cũng giống như các ung thư khác của đường hô hấp, các nghiên cứu cho rằng khối u ác tính mũi xoang có liên quan nhiều với tình trạng người bệnh có tiền sử hút thuốc, nghiện rượu bia, có sự tiếp xúc với các hoá chất nơi ở, nơi làm việc. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng sự gia tăng của khối u ác tính mũi xoang của người tiếp xúc với khói bụi công nghiệp, gỗ công nghiệp sẽ có nguy cơ cao hơn.
3. Triệu chứng của u ác tính mũi xoang
Các triệu chứng gợi ý u mũi xoang có thể phân chia thành các nhóm sau:
− Hội chứng mũi xoang: Thường gặp nhất, chiếm 50% trường hợp, gồm: Tắc mũi; Chảy máu mũi kéo dài, số lượng có thể nhiều hoặc ít; Chảy mũi thường là chảy mũi mủ. Người bệnh sẽ bị giảm khứu giác, thậm chí mất ngửi. Các biểu hiện này đôi khi nhầm lẫn với viêm xoang mạn tính hoặc polyp mũi xoang, và có khoảng 9-12% không có triệu chứng mũi xoang. Tuy nhiên nếu bị một bên thì phải rất cảnh giác.
− Hội chứng mắt: Thường gặp nhất khi tổn thương nằm ở xoang sàng, xoang hàm, xâm lấn vào ổ mắt. Người bệnh sẽ có các tổn thương như: Song thị, giảm thị lực, lồi mắt. Phù nề quanh ổ mắt, chảy nước mắt.
− Hội chứng răng miệng: Chỉ gặp trong tổn thương ở xoang hàm hay sàn mũi, chủ yếu là loét khẩu cái hay lợi không do nguyên nhân tại chỗ. Bệnh nhân sẽ bị đau răng, lung lay hay rụng răng bất thường. Rò xoang miệng, hạn chế mở miệng, cứng hàm.
− Hội chứng mặt: Người bệnh sẽ bị phù nề, biến dạng mặt. Đau nhức mặt do ảnh hưởng dây thần kinh dưới ổ mắt. Đau kiểu đau dây V do xâm lấn khối u vào vùng hố dưới thái dương.
− Hội chứng thần kinh: Các biểu hiện của biến chứng thần kinh là do khối u xâm lấn vào màng não với các biểu hiện của viêm màng não, áp xe não, hoặc xâm lấn vào thuỳ trán của não.
4. Chẩn đoán u ác tính mũi xoang
Sau khi khám thực thể tại vùng mũi xoang, ổ mắt, khẩu cái, miệng. Các bác sĩ chỉ định nội soi mũi xoang, và có thể tiến hành sinh thiết khối u.
Đối với khối u ác tính mũi xoang,việc chỉ định chụp CT là xét nghiệm cần thiết. Chụp MRI bổ trợ thêm cho CT trong trường hợp chụp CT không rõ ràng, phân biệt sự xâm lấn ngoài màng cứng hay qua màng cứng, đánh giá chi tiết hơn tình trạng xâm lấn ổ mắt và hố dưới thái dương.
Chụp mạch được cân nhắc cho những bệnh nhân dự định phẫu thuật có khối u bao quanh động mạch cảnh, hoặc những khối u có biểu hiện tăng đậm độ trên CT. Đối với các khối u mạch, chụp mạch là cần thiết để đánh giá mức lan rộng của khối u, nhánh mạch chi phối và có thể tiến hành nút mạch chọn lọc nếu cần thiết.
Chụp CT bụng và ngực cũng được khuyên đối với các khối u lan theo đường máu.
5. Các loại u ác tính mũi xoang
Một số loại u ác tính khác nhau có thể xảy ra trong khoang mũi hoặc xoang, bao gồm:
5.1. U biểu mô ác tính
Thường gặp nhất là ung thư biểu mô vảy, trong đó 70% trường hợp xuất phát từ xoang hàm. Chủ yếu gặp ở nam giới (75%), Chẩn đoán dựa vào sinh thiết khối u qua đường mũi dưới nội soi, có khi qua đường miệng nếu u lan xuống khẩu cái, thậm chí có trường hợp phải mở xoang hàm để sinh thiết u. Điều trị bao gồm phẫu thuật, hoá trị và xạ trị, chỉ định tuỳ theo hội chẩn. Tiên lượng liên quan đến kích thước và sự lan tràn của khối u.
Ung thư biểu mô tuyến chiếm khoảng 4-6% u mũi xoang. Chúng thường xuất phát ở xoang sàng và hốc mũi.
Ung thư biểu mô tuyến nang mũi xoang chiếm khoảng 20% của tất cả các loại ung thư tuyến nang ở đầu cổ. Đặc trưng của loại này là sự lan sớm vào cấu trúc thần kinh - mạch, dưới niêm mạc, và di căn phổi. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, tia xạ hậu phẫu dường như kiểm soát tại chỗ tốt hơn. Loại ung thư này ở mũi xoang có tiên lượng xấu hơn so với các vị trí khác.
U nguyên bào thần kinh khứu giác là loại u hiếm, phát xuất từ biểu mô khứu giác. Thường hay gặp ở lứa tuổi 10-20 và 50-60 với tỷ lệ nam nữ như nhau. Khám mũi dưới nội soi phát hiện khối u dạng polyp, dễ vỡ, chảy máy, màu sẫm. Di căn gặp trong 25-30% trường hợp, thường là di căn hạch và phổi. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hoá trị và xạ trị gần đây cũng cho thấy có hiệu quả.
Ung thư biểu mô không biệt hóa thường bao gồm các tế bào kích thước trung bình và nhỏ. Triệu chứng khởi phát rất nhanh, thường được phát hiện giai đoạn muộn khi lan đến nhiều xoang. Tiến triển nhanh, tiên lượng xấu, xấp xỉ 50% bệnh nhân tử vong sau 1 năm. Tuy nhiên gần đây với kinh nghiệm dùng hoá trị, tia xạ và phẫu thuật, tỷ lệ trên đã cải thiện nhiều.
5.2. U không biểu mô ác tính
Thường gặp nhất là Rhabdomyosarcomas chiếm từ 8-19 % các khối u của mô liên kết, trong đó 35- 45% hiện diện ở vùng đầu cổ. Di căn hạch cổ trong 42%, di căn xa trong 58%.
Sarcomas thần kinh tiến triển tại chỗ nhanh và thường có di căn xa. Phẫu thuật đóng vai trò chủ yếu trong điều trị.
Angiosarcomas, Sarcoma mạch mũi xoang có khuynh hướng gặp ở người trẻ và ít di căn và tái phát tại chỗ hơn các nơi khác, tiến triển chậm. Phẫu thuật là điều trị chủ yếu, xạ trị bổ túc sau mổ có hiệu quả.
Hemangiopericytomas (U chu bào ngoại mạch) là khối u giàu mạch máu xuất phát từ pericytes của Zimmermann. Những khối u này có thể xem là ác tính mức độ thấp. Chúng xâm lấn tại chỗ và di căn trong 10-15% trường hợp. 16% xuất hiện ở vùng đầu cổ trong đó mũi xoang chiếm khoảng 50%. Tiên lượng tuỳ thuộc vào vị trí, số lượng tế bào phân bào, di căn. Khối u vùng mũi xoang có tỷ lệ di căn cao. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ u… Tia xạ và hoá chất ít tác dụng. Ngoài ra còn gặp Osteogenic sarcoma, sarcoma xơ, sụn...
6. Điều trị u ác tính mũi xoang
Nếu u ác tính được tìm thấy trong khoang mũi xoang thì có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Xạ trị − Tia xạ có thể sử dụng đơn độc, hoặc phối hợp với phẫu thuật, hoặc chỉ điều trị triệu chứng. Hiện nay việc sử dụng hoá trị đồng thời đang được nghiên cứu áp dụng. Hoá trị chủ yếu áp dụng cho các loại u lymphoma, mang lại kết quả khá tốt. Sử dụng hoá trị đồng thời đang được nghiên cứu áp dụng.
Tóm lại: U ác tính mũi xoang ít gặp, các triệu chứng không rõ ràng dễ nhầm với các triệu chứng bệnh mũi xoang thông thường. Vì vậy việc khám định kỳ là vô cùng quan trọng. Khi có các biểu hiện nghi ngờ hoặc bất thường cần tới cơ sở khám chữa bệnh tai mũi họng để được phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả.