Tắc lệ đạo bẩm sinh có nguy hiểm?

11-09-2018 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Tắc lệ đạo bẩm sinh xảy ra khi đường dẫn nước mắt của trẻ chưa hoàn chỉnh. Tỷ lệ hay gặp từ 2 - 4 % trẻ sơ sinh. Nếu trẻ đẻ non, nguy cơ tắc lệ đạo bẩm sinh còn cao hơn. Việc theo dõi, chăm sóc và điều trị khi bị tắc lệ đạo sẽ giúp trẻ tránh những biến chứng gây tắc lệ đạo không thể hồi phục.

Tắc lệ đạo bẩm sinh là gì?

Nước mắt được tiết ra từ tuyến lệ trong suốt cả ngày để bôi trơn mắt và rửa sạch các chất bẩn, bụi bám trong mắt. Bình thường, nước mắt được bài tiết liên tục, làm ướt bề mặt nhãn cầu, sau đó dồn về góc trong mắt và được dẫn xuống mũi qua một hệ thống ống gọi là lệ đạo.

Ngay sau khi trẻ sinh ra, tuyến lệ chưa hoạt động, vì thế mà trẻ mới đẻ khóc không có nước mắt. Sau đẻ từ 1 tuần đến 10 ngày, tuyến lệ bắt đầu có hoạt động bài tiết. Vì thế chỉ sau thời gian này, trẻ khóc thì mới có nước mắt.

Sau khi được tiết ra, nước mắt sẽ tập trung vào vùng góc trong mắt. Nước mắt sẽ được dẫn xuống mũi qua một hệ thống lệ đạo. Đây là một hệ thống ống có cấu trúc khá phức tạp. Khi sinh ra, phần lớn hệ thống ống này chưa thông hoàn toàn. Tắc lệ đạo bẩm sinh xảy ra khi đường dẫn nước mắt của trẻ chưa hoàn chỉnh. Nguyên nhân là do có lớp màng mỏng che lấp đầu ra của ống lệ mũi làm nước mắt không lưu thông xuống mũi được. Tỷ lệ hay gặp từ 2 - 4 % trẻ sơ sinh. Hầu hết trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh có thể tự khỏi đến khi được một tuổi. Nếu trẻ đẻ non, nguy cơ tắc lệ đạo bẩm sinh còn cao hơn. Viêm kết mạc là một bệnh lý hay gặp trên những bệnh nhân tắc lệ đạo.

Tắc lệ đạo bẩm sinh có nguy hiểm?Trẻ bị tắc tuyến lệ và cách day vùng túi lệ giúp lệ đạo thông tốt.

Làm sao phát hiện bệnh?

Trẻ bị tắc lệ đạo luôn bị chảy nước mắt với mức độ khác nhau gây khó chịu cho trẻ. Nếu chưa bị bội nhiễm, mắt có thể có rỉ mắt nhưng không đỏ. Nếu có nhiễm trùng kèm theo, mắt đau đỏ, có rỉ bẩn màu vàng hoặc xanh. Nặng hơn có thể thấy vùng góc trong mắt phồng hơn, ấn vào đó có nhầy mủ trào ra ở khóe trong của mắt. Cần phân biệt với quặm bẩm sinh và glôcôm bẩm sinh.

Một số phương pháp điều trị

Do hầu hết trẻ bị tắc lệ đạo bẩm sinh có thể tự khỏi, nên việc chỉ định bơm thông lệ đạo cần phải được cân nhắc kỹ. Trẻ bị tắc lệ đạo thường bị viêm kết mạc kéo dài nên cần được theo dõi và điều trị kháng sinh hợp lý.

Cần day nắn vùng túi lệ ở góc trong mắt để tạo nên áp lực làm vỡ chỗ tắc, giúp cho lệ đạo thông tốt. Cũng có thể dùng thêm kháng sinh tra mắt. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ ông bà không nên quá sốt ruột vì bệnh có thể tự khỏi khi trẻ lớn dần. Sau 2 tháng tuổi, nếu trẻ còn chảy nước mắt, cần đưa các cháu đến bệnh viện để được thông lệ đạo. Tuy nhiên, nếu thông muộn quá, khi trẻ lớn hơn 1 tuổi thì tỷ lệ thông thành công sẽ rất thấp. Vì vậy, cần đưa trẻ đi thông vào thời điểm trẻ được 4 - 6 tháng là tốt nhất. Việc bơm thông lệ đạo khi trẻ trên 4 tháng tuổi phải do các y bác sĩ đã được đào tạo thực hiện trong điều kiện vô trùng tốt.

Có phòng bệnh được không?

Trẻ tắc lệ đạo bẩm sinh cần được giữ vệ sinh mắt tốt, phòng viêm kết mạc bội nhiễm. Điều trị viêm kết mạc hợp lý, giảm nguy cơ viêm túi lệ, ống lệ mũi. Nên bơm thông lệ đạo cho trẻ tại các cơ sở chuyên khoa mắt có uy tín, hạn chế biến chứng sai đường gây tắc lệ đạo không thể hồi phục.

Tắc lệ đạo bẩm sinh không phải là bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, cần phải đưa trẻ đi khám sớm để bác sĩ mắt có thể chẩn đoán, loại trừ các bệnh khác cũng gây chảy nước mắt như glôcôm, quặm bẩm sinh, tổn thương ở giác mạc…


BS . Hồng Lê
Ý kiến của bạn