Tắc kè - Vị thuốc trị ho

11-08-2012 07:28 | Y học cổ truyền
google news

Theo YHCT, tắc kè có vị mặn, tính bình, hơi có độc, quy vào kinh phế, thận, với công năng bổ phế, bổ thận, định suyễn, trợ dương.

Tắc kè (Gekko gekko L.), tên thuốc là cáp giới, một vị thuốc được YHCT sử dụng từ lâu để trị một số chứng bệnh thuộc hai tạng phế và thận. Theo YHCT, tắc kè có vị mặn, tính bình, hơi có độc, quy vào kinh phế, thận, với công năng bổ phế, bổ thận, định suyễn, trợ dương.

Cách chế biến: Tắc kè lột bỏ hết phủ tạng, lấy bông tẩm cồn lau sạch máu, lấy 2 thanh tre nhỏ cài vào 4 bàn chân để cho thân tắc kè căng mỏng ra. Dùng một thanh nứa mảnh, dài, một đầu cắm vào dưới ức tắc kè, dọc theo bụng và đuôi, lấy một sợi dây cuốn chặt đuôi vào thanh nứa đó, đem phơi hoặc sấy khô. Tắc kè có nhiều chất bổ, nhất là phần đuôi, vì thê khi chế biến tắc kè cần bảo tồn đuôi.

Tắc kè ngâm rượu trị thận hư, đau lưng.

Tắc kè tán bột chữa ho

Trị  ho đờm, ho ra máu,  hen suyễn: tắc kè cắt bỏ phần đầu, từ mắt trở lên và 4 bàn chân, cạo bỏ các vảy trắng bên ngoài thân, cắt miếng nhỏ, sao vàng, tán bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 10g vào lúc đói. Uống liền nhiều ngày cho đến khi hết các triệu chứng.

Trị ho lâu ngày, phế khí thượng nghịch, khó thở, trong đờm có máu mủ, lồng ngực bứt rứt, cơ thể mệt mỏi: tắc kè 1 đôi, hạnh nhân, cam thảo mỗi vị 200g; nhân sâm, phục linh, bối mẫu, tang bạch bì, tri mẫu mỗi vị 80g. Hạnh  nhân cắt bỏ đầu nhọn, bỏ vỏ sao hơi vàng; cam thảo, nhân sâm chích nước gừng; tang bạch bì chích mật ong; bối mẫu, tri mẫu sao vàng. Tất cả tán bột mịn, trộn đều, đóng vào lọ thủy tinh có nắp kín, ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 - 8g. Uống liền 3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần có thể uống tiếp liệu trình nữa.

Trị ho, mặt và chân tay bị phù nề: tắc kè 1 đôi, nhân sâm 20g (hoặc đảng sâm 40g). Tắc kè bào chế như trên, nhân sâm hoặc đảng sâm chích gừng. Tất cả tán bột mịn, bảo quản trong lọ có nắp kín, ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 4 - 6g, trước bữa ăn.

Trị ho lao, người già ho nhiều đờm, tim yếu: tắc kè 1 đôi, đảng sâm, sa nhân, quy bản, mỗi vị 20g, đại táo 12g.  Quy bản, rửa sạch, phơi khô, sao vàng. Đại táo sấy khô giòn. Tất cả tán bột mịn, thêm mật ong vừa đủ, làm viên 1g. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 viên, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần lễ. Có thể uống nhiều đợt.

Tắc kè ngâm rượu trị thận hư, đau lưng

Trị đau lưng, thần kinh suy nhược: tắc kè 2 - 5 con, cách chế biến như trên, cắt miếng nhỏ, ngâm với rượu 35o - 40o, tỷ lệ 1 phần tắc kè / 7 phần rượu, ngâm trong 3 - 4 tuần lễ, chiết lấy rượu, ngâm tiếp lần 2 (1 phần tắc kè / 5 phần rượu), trong 2 - 3 tuần lễ, chiết lấy rượu. Gộp dịch rượu ngâm của 2 lần, lắc đều. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 20 - 30ml, trước bữa ăn. Để khử mùi tanh, có thể cho vào bình rượu 8 - 10g trần bì và 2g tiểu hồi.

Trị thận hư, sinh dục yếu, di tinh, tiết tinh sớm: tắc kè 2 - 5 con, cách chế biến và bào chế như trên. Ngâm một bình rượu tắc kè như bài trên, đồng thời ngâm riêng một bình rượu thuốc khác gồm hà thủ ô đỏ, ba kích, mỗi vị 50g, thỏ ty tử 15g, trần bì 10g, tiểu hồi 2g. Tỷ lệ thuốc/rượu là 1/7, cách ngâm và thời gian ngâm như trên. Phối hợp giữa rượu tắc kè và rượu thuốc theo tỷ lệ 1:1, hoặc 1:2; lắc đều. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 20 - 30ml, trước bữa ăn, hoặc trước khi đi ngủ. Có thể uống mỗi đợt 3 - 4 tuần lễ, hoặc tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh



Ý kiến của bạn
Tags: