Hà Nội

Tắc kè vị thuốc chữa ho

SKĐS - Tắc kè có vị mặn, tính ôn, vào hai kinh phế và thận; có tác dụng bổ phế thận, ích tinh, trợ dương, chữa hen suyễn; dùng chữa ho có mủ, ho ra máu, hen suyễn, tiêu khát.

1. Công dụng của tắc kè

Tắc kè còn có tên gọi khác là đại bích hổ, cáp giải, cáp giới. Tên khoa học Gekko gekko L. Thuộc họ Tắc kè Gekkonidae, bộ Thằn lằn (Sauria hay Lacertilia). Tắc kè - Gekko - là con tắc kè mổ bỏ ruột phơi hay sấy khô.

Con tắc kè giống như con "mối rách" hay "thạch sùng" nhưng to và dài hơn (không nên nhầm với con thằn lằn). Chiều dài của thân chừng 15-17cm, đuôi dài 15-17cm. Đầu bẹp hơi 3 cạnh, mắt có con ngươi thẳng đứng.

Tắc kè có 4 chân. Mỗi chân có 5 ngón rời nối với nhau thành hình chân vịt. Mặt dưới ngón có những màng phiến mỏng màu trắng sờ như có chất dính làm cho con vật có thể bám chặt vào tường hay cành cây khi trèo ngược.

Đầu, lưng và đuôi đều có những vẩy nhỏ hình hạt tròn hoặc nhiều cạnh, nhiều màu sắc từ xanh lá mạ đến xanh rêu đen có khi xanh nhạt hay đỏ nâu nhạt. Màu sắc này còn thay đổi tùy theo lúc để cho màu sắc con vật giống cảnh vật xung quanh làm cho con vật lẩn tránh dễ dàng khi ở trên cây.

Tắc kè vị thuốc chữa ho- Ảnh 1.

Tắc kè cho ta vị thuốc chữa ho.

BSNT. Nguyễn Thành Vương – Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đuôi tắc kè được coi như một bộ phận quý nhất của con vật. Khi bị gãy hay đứt có thể mọc lại được.

Con tắc kè sống ở những hốc cây, hốc đá hoặc những khe hốc các nhà gác cao, tường cao, ăn sâu bọ, gián, châu chấu, bướm, nắc nẻ… Con đực kêu hai tiếng tắc kè, do đó thành tên. Nó luôn kêu một lúc 10-12 lần liền có khi nhiều hơn. Tiếng kêu càng về cuối càng nhỏ dần.

Tắc kè sống hoang tại các tỉnh miền thượng du nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn. Miền Nam trung bộ và Nam Bộ cũng có nhiều. Tắc kè có ở nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myama và đông bắc Ấn Độ.

Theo tài liệu cổ tắc kè có vị mặn, tính ôn, vào hai kinh phế và thận; có tác dụng bổ phế thận, ích tinh, trợ dương, chữa hen suyễn; dùng chữa hư lao (hư tổn các tạng phủ do bệnh kéo dài gây nên), ho có mủ, ho ra máu, hen suyễn, tiêu khát. Người có đờm ẩm hen suyễn không dùng được.

Tắc kè vị thuốc chữa ho- Ảnh 2.

Vị thuốc tắc kè chữa ho.

- Thuốc bổ: Dùng cho những người tình dục không được bền bỉ (dùng một đôi con đực và con cái ngâm rượu, sau 3-6 tháng có thể sử dụng).

- Chữa các chứng ho hen, ho có đờm hay không có đờm lâu ngày không khỏi, khạc ra mủ máu, ho luôn không dứt, hơi nghẽn lên cổ.

Có thể sấy khô tán bột uống riêng hoặc trộn với các vị thuốc khác. Cũng có thể ngâm rượu uống. Ngày uống 3 đến 4g dưới dạng thuốc bột hay ngâm rượu.

Tắc kè vị thuốc chữa ho- Ảnh 3.

Tắc kè kết hợp với nhân sâm chữa ho.

2. Bài thuốc chữa ho từ tắc kè

BSNT. Nguyễn Thành Vương giới thiệu một số bài thuốc chữa ho từ tắc kè như sau:

2.1. Bài thuốc chữa ho, nặng mặt, nặng cả chân tay: Tắc kè một đôi, bỏ đầu, chân, lấy rượu bôi khắp lượt rồi nướng chín, nhân sâm 20g (hoặc có thể dùng đảng sâm 40g). Cả hai vị sấy khô tán nhỏ. Cất trong lọ kín ăn dần. Ngày ăn 4g bột này.

2.2. Bài thuốc chữa bệnh ho lao, người cao tuổi ho nhiều đờm, tim yếu: Tắc kè một đôi bỏ đầu, sấy khô tán nhỏ. Đảng sâm 20g, quy bản (mai rùa) nướng tán bột 20g, bắc sa nhân 20g tán bột. Tất cả trộn đều. Thêm vị táo đỏ và giã nát làm thành viên, mỗi viên nặng 1g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 đến 2 viên, nhai và dùng nước để chiêu thuốc.

2.3. Bài Thang cáp giới trị ho hen, đờm có máu: Tắc kè 8g, tri mẫu 12g, bối mẫu 12g, tang bì 12g, hạnh nhân 12g, tỳ bà diệp 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, cao ban long 12g. Cao ban long để riêng, sắc các vị thuốc khác lấy nước, hòa cao vào để uống.

2.4. Bài thuốc trị phế và thận đều suy nhược sinh di tinh, ho hen lâu ngày, ho ra máu…: Tắc kè lượng vừa đủ, tán thành bột mịn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 2g, chiêu bằng nước cháo đường.

2.5. Bột tắc kè trị ho khan do viêm khí phế quản, ho do lao phổi: Tắc kè 1 đôi, phổi dê 30g, mạch môn 15g, rượu vừa đủ. Tắc kè tẩm dấm rang cho chín vàng, tán bột; phổi dê sấy khô tán bột; mạch môn nướng chín khô tán bột. Trộn các vị thuốc với nhau. Lấy một chén rượu, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn; cho vào 9g bột hỗn hợp, khuấy đều, cho ăn trong một lần. Ngày 1 - 2 lần.

Tắc kè vị thuốc chữa ho- Ảnh 5.

Tắc kè phối hợp với đảng sâm chữa ho lao.

2.6. Bột tắc kè bạch cập trị người cao tuổi ho, nhiều đờm, ho ra máu: Tắc kè 1 đôi, bạch cập 100g. Hai vị tán bột, trộn đều. Ngày uống 2 lần (sáng - chiều), mỗi lần 15g, uống với nước sôi và mật ong. Dùng liên tục 20 ngày.

2.7. Bài thuốc Nhân sâm cáp giới tán: Chữa chứng khái suyễn lâu ngày, đờm đặc vàng, ho ra mủ lẫn máu, ngực bồn chồn, nóng, người gầy yếu, mạch phù hư hoặc lâu ngày thành phế nuy (phổi yếu), phải bổ khí thanh phế, chỉ khái, bình suyễn: Cáp giới 1 đôi, hạnh nhân 150g, cam thảo 150g, nhân sâm 60g, phục linh, bối mẫu, tang bì, tri mẫu đều 60g, sao giòn, tán mịn, ngày 3 lần, mỗi lần 15g với nước chín.

2.8. Bài thuốc chữa tà khí ở vùng phế, trong ngực tích huyết gây đau, mất tiếng, ho lâu ngày mất tiếng: Dùng cáp giới 1 đôi, sinh địa hoàng 80g, a giao 40g, kha tử 60g, mạch môn đông 80g, tế tân 30g, cam thảo 40g, hoàn viên bằng quả táo mỗi lần uống 1 viên, ngâm cho tan ra trước bữa ăn.

Kiêng kỵ: Người hen suyễn do ngoại tà (tà khí phong hàn, phong nhiệt…) và chứng thực nhiệt biểu hiện ho mới phát, đột ngột cấp tính, sốt, sợ lạnh, đờm vàng đặc… không được dùng. 

Xem thêm video đang được quan tâm:

5 cách giảm ho đờm tại nhà | SKĐS


Hải Long
Ý kiến của bạn