Hỏi: Xin cho biết cách bắt và chế biến tắc kè như thế nào?
(Lê Văn Tiến - Thanh Hóa)
Trả lời: Tắc kè còn gọi là đại bích hổ, cáp giải, cáp giới. Tên khoa học Gekko, gekko L. Thuộc họ Tắc kè Gekkonidae, bộ Thằn lằn. Tắc kè gekko là con tắc kè mổ bỏ ruột phơi hay sấy khô.
Mô tả con vật
Con tắc kè giống như con “mối rách” hay “thạch sùng” nhưng to và dài hơn (không nên lầm với con thằn lằn). Chiều dài của thân chừng 15 - 17cm. đuôi dài 15 - 17cm. Đầu bẹp hơi 3 cạnh. Mắt có con ngươi thẳng đứng. 4 chân, mỗi có 5 ngón rời nối với nhau thành hình chân vịt, mặt dưới ngón có những màng phiến mỏng màu trắng sờ như có chất dính làm cho con vật có thể bám chặt vào tường hay cành cây khi trèo ngược.
Đầu, lưng, đuôi có những vẩy nhỏ hình hạt tròn hoặc nhiều cạnh, nhiều màu sắc từ xanh lá mạ đến xanh rêu đen có khi xanh nhạt hay đỏ nâu nhạt. Màu sắc này còn thay đổi tùy theo lúc để cho màu sắc con vật giống cảnh vật xung quanh làm cho con vật lẩn tránh dễ dàng khi ở trên cây.
Đuôi tắc kè được coi như một bộ phận quý nhất của con vật. Khi bị gãy hay đứt có thể mọc lại được.
Con tắc kè sống ở những hốc cây, hốc đá hoặc những khe hốc các nhà gác cao, tường cao. Nó ăn sâu bọ, dán, châu chấu, bướm… Những con vật này phải cử động tắc kè mới trông thấy. Đến mùa rét, nó không ăn mà vẫn sống mạnh khỏe.
Tắc kè đẻ trứng. Mỗi lần đẻ 2 trứng. Trung bình sau 90 - 100 ngày trứng mới nở. Không phải ấp. Mùa đẻ từ tháng 5 -10.
Con đực kêu 2 tiếng tắc kè. Do đó thành tên. Nó kêu luôn một lúc 10 - 12 lần liền có khi nhiều hơn. Tiếng kêu càng về cuối càng nhỏ dần. Trong sách cổ có nói con đực kêu “tắc” con cái kêu “kè” nhưng thực tế một con kêu cả hai tiếng “tắc kè”.
Phân bố, cách bắt và chế biến tắc kè
Tắc kè sống hoang tại các tỉnh miền thượng du nước ta như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên… Hàng năm ta có thể thu mua và xuất tới 250.000 con.
Miền Nam Trung bộ và Nam bộ cũng có nhiều.
Ngoài nước ta, tắc kè có ở Nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Đông Bắc Ấn Độ.
Tắc kè kêu từ tháng hè đến hết thu (5 - 10), vào thời kỳ này người ta tổ chức đi bắt. Vào mùa khác, người ta dựa vào phân tắc kè mà đi tìm nơi chúng ở. Phân tắc kè gồm một thỏi màu nâu to và một cục trắng nhỏ. Muốn bắt tắc kè người ta tìm nơi hang hốc có tiếng kêu hay nơi nó thường đi lại. Người ta làm một que cứng, dẻo, làm bằng tre cật, dài chừng 1m. Đầu que buộc một mớ tóc rối hay mớ sợi móc. Khi chọc que này vào hốc, tắc kè ngoạm lấy, tóc rối vướng vào răng không mở ra, ta chỉ việc kéo ra mà bắt lấy. Một hang hốc có thể 2 - 10 con có khi tới 20 - 30 con.
Nếu hang hốc nông người ta bao tay bằng vải rồi thò tay vào mà bắt.
Đem về mổ bụng bỏ hết ruột, dùng 2 que nứa nhỏ ngắn, một que căng hai chân trước và một que căng hai chân sau. Một que nữa thì xuyên dọc suốt từ đầu đến quá đuôi. Nơi đuôi người ta lấy giấy bản cắt thành dải cuộn chặt vào que để bảo vệ đuôi. Sau đó phơi hoặc sấy khô. Khi dùng bỏ mắt. Chặt bốn bàn chân, sấy khô tán nhỏ hoặc cắt nhỏ ngâm rượu.
Công dụng và liều dùng
Tắc kè là một vị thuốc nhân dân, dùng làm thuốc bổ và chữa ho.
Thuốc bổ: tác dụng ngang như nhân sâm, thịt để dùng cho những người giao cấu không được bền bỉ.
Chữa các chứng ho có đờm hay không có đờm lâu ngày không khỏi, khạc ra mủ máu, ho luôn không dứt, hơi nghẽn lên cổ.
Hình thức dùng có thể sấy khô tán bột uống hoặc trộn với các vị thuốc khác. Cũng có thể ngâm rượu mà uống. Ngày uống 3 - 4g dưới dạng thuốc bột hay ngâm rượu.
Theo tài liệu cổ, tắc kè có vị mặn, tính ôn vào hai kinh phế và thận, ích tính, trợ dương, chữa hen suyễn. Người có đờm ẩm, hen suyễn không dùng được.
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
của GS. ĐỖ TẤT LỢi