Tác hại khủng khiếp từ thói quen ăn thịt lợn, bò tái

07-07-2023 11:14 | Y tế
google news

SKĐS - Người ăn phải thịt lợn chứa nang ấu trùng (lợn gạo) còn sống, ấu trùng sau khi vào cơ thể sẽ thoát ra chui qua thành ruột vào hệ thống tuần hoàn đi khắp cơ thể và làm tổ trong não.

Sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn thường có ở những thực phẩm nào khiến người nhiễm bệnh?Sán dây lợn, ấu trùng sán dây lợn thường có ở những thực phẩm nào khiến người nhiễm bệnh?

SKĐS - Thông tin phát hiện tổ sán dây lợn trong não nam bệnh nhân 55 tuổi khiến nhiều người lo lắng không biết sán dây lợn và ấu trùng sán dây lợn thường có ở những thực phẩm nào khiến người nhiễm bệnh?

Sán làm tổ trong não ngỡ bị thần kinh

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương cho biết, hai loại sán dây người bệnh thường gặp hiện nay là sán dây bò và ấu trùng sán dây lợn.

Ấu trùng sán dây lợn xâm nhập vào cơ thể do thói quen ăn thịt lợn nấu chưa chín kỹ hay ăn các món nem chạo, nem thính, tiết canh. Khi nhiễm, ấu trùng sán lợn sẽ chui qua thành ruột ruột vào hệ tuần hoàn, đi khắp cơ thể và ký sinh ở não. Có những trường hợp, nang sán ký sinh ở cơ mà người dân hay gọi là sán cơ.

Sán cơ có các u cục nổi dưới da như hạt ngô, hạt đậu tương khi ấn vào nó căng và đàn hồi, chìm trong cơ và cũng xuất phát từ nguyên nhân ăn các món nêu trên. Sán dây lợn có thể tạo thành các ổ tổn thương trong cơ, trong não, có thể gây viêm quanh năng gây tăng áp lực nội sọ trên não... Bệnh nhân mắc ấu trùng sán dây lợn có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, co giật, nhiều người có biểu hiện kích thích, có trường hợp có dấu hiệu kích động như tâm thần.

Tác hại khủng khiếp từ thói quen ăn thịt lợn, bò tái - Ảnh 2.

TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ phân tích hình ảnh phim chụp sán trên não bệnh nhân.

BS Thọ người có kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị các bệnh ký sinh trùng cho biết, khoa Khám bệnh chuyên ngành trước đây nay là Bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã đã khám, chữa cho rất nhiều bệnh nhân bị đau đầu, nôn, co giật nhiều năm dù đã đi chữa rất nhiều nơi.

Đã có bệnh nhân người nhà tưởng bệnh nhân mắc bệnh tâm thần và điều trị theo hướng tâm thần mãi không khỏi, sau đó được giới thiệu đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương. Khi nhập viện, do bệnh nhân đã đươc điều trị và dùng các thuốc hướng thần trong một thời gian dài, lúc nào cũng trong tình trạng lơ mơ, lờ đờ, không còn nhanh nhẹn. Bệnh nhân khám và làm các xét nghiệm, được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương. Sau khi được điều trị thì triệu chứng của bệnh giảm rất nhiều, bệnh nhân dần trở lại ổn định. Sau khi điều trị sán não, bệnh nhân cải thiện trí nhớ, vận động rất nhiều.

Người mắc phải sán dây bò thường do ăn thịt bò tái từ các món bò tái chưa nấu chín, nhúng thịt bò chưa chín... "Có những bệnh nhân khi bị nhiễm sán dây bò các đốt sán có thể bò ra ngoài hậu môn. Đốt sán ngắn, màu trắng, dài như xơ mít, khi bò ra ngoài vẫn còn động đậy. Một đốt sán có tới 55.000 trứng", BS Thọ cho biết.

Tác hại khủng khiếp từ thói quen ăn thịt lợn, bò tái - Ảnh 3.

Hình ảnh ấu trùng di chuyển dưới da người.

BS Thọ cho biết, để phân biệt sán dây bò hay sán dây lợn, phải sử dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử. Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng sán dây lợn sau khi tẩy sán phải đãi tìm mới và xác định được ra còn sán dây bò tự bò ra ngoài hậu môn khi đi ngoài. Nhưng để khẳng định chắc chắn là nhiễm sán dây bò hay sán dây lợn thì bắt buộc phải xét nghiệm sinh học phân tử để xác định loài.

"Sán dây bò ít có nguy cơ tổn thương lên não như sán dây lợn. Với sán dây bò, khi được chẩn đoán xác định chỉ cần dùng một liều thuốc đặc hiệu điều trị là bệnh ổn định nhưng vẫn có thể có nguy cơ nhiễm lại nếu chúng ta vẫn thói quen ăn thịt bò tái. Chúng tôi đã tẩy bệnh nhân và dung thuốc nhuận tràng và đãi cả con sán dài", BS Thọ nói.

Trước đây, các bác sĩ có đãi sán dây bò dài hàng mét, có con dài đến 5-7m. Người sán dây bò hay bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn đường ruột, thi thoảng đốt sán bò ra từ hậu môn, thậm chí có sán rơi ra gót chân.

Đừng quên tẩy giun và tẩy sán định kỳ

TS.BS Trần Huy Thọ cho rằng, điều đáng nói là các bệnh về ký sinh trùng thường hay bị các bác sỹ làm lâm sàng bỏ qua ở các bệnh viện. Khi điều trị dài ngày không khỏi mới nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng.

"Tôi đã gặp một bệnh nhân nhiễm giun lươn đường ruột đã khám, điều trị hơn 2 tuần tại bệnh viện tuyến tỉnh, sau đó chuyển ra một bệnh viện tuyến trung ương điều trị không đỡ. Bệnh nhân là người già có bệnh nền, bệnh mãn tính. Nhập viện, bệnh nhân nôn, tiêu chảy kéo dài sụt còn có 36 kg, ăn gì cũng nôn. Trước đó bệnh nhân được chẩn đoán là hội chứng rối loạn tiêu hóa và nôn nhiều, suy kiệt ở người già. Khi được chuyện đến cơ sở điều trị của chúng tôi trong thể trạng suy kiệt và nôn, tiêu chảy.

Chúng tôi cho lấy mẫu xét nghiệm phân thì phát hiện ấu trùng giun lươn đường ruột. Sau khi được điều trị giun lươn thì bệnh nhân ngày thứ nhất đỡ nôn, đỡ tiêu chảy, ăn được chút cháo. Sang ngày thứ 2 triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện nhiều không còn nôn và tiêu chảy nữa ăn được và sau hơn một tuần điều trị tại viện, bệnh nhân dần hồi phục", BS Thọ kể.

BS Thọ cho biết, cho đến nay tính chất gây bệnh của giun lươn khó xác định vì giun lươn dễ phối hợp với những loại ký sinh trùng đường ruột để gây nên những triệu trứng lâm sàng có tính chất pha trộn. Khi ở trong ruột giun lươn có thể gây những tổn thương, loét niêm mạc ruột, tá tràng, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mãn tính, có thể gây viêm tá tràng hoặc gây lị. Bạch cầu ái toan tăng cao.

Giun lươn có thể gặp ở những người suy giảm miễn dịch, khi sức khỏe kém, mắc các bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, cơ thể suy giảm miễn dịch thì cùng cơ hội đó, giun lươn sẽ phát triển. Bệnh nhân mà sức khỏe giảm sút, yếu tố miễn dịch giảm là yếu tố nguy cơ nhiễm giun lươn. Bệnh nhân nữ 55 tuổi ở Diễn Châu, Nghệ An nói trên tái khám sau 1 tháng đã tăng cân trở lại gần như bình thường.

"Ngoài ra chúng tôi có gặp 1 trường hợp trẻ em mắc sán chuột có thể do bọ chét và một số loại bọ khác có thể nhiễm trứng sán khi ăn phân của chuột hoặc chuột bị nhiễm bệnh. Những côn trùng này có thể lây nhiễm sang người với vai trò là vật chủ trung gian và sán dây chuyển từ trứng sang giai đoạn trưởng thành. Loại nhiễm trùng này xảy ra với sán dây và phổ biến hơn nhiều khi vệ sinh không đảm bảo, là nguyên nhân khiến trẻ nhiễm sán chuột. Sán chuột xét nghiệm phân có thấy trứng sán chuột. Sán chuột có thể gây rối loạn tiêu hóa, khi được điều trị thuốc đặc hiệu bệnh ổn định", BS Thọ kể thêm.

TS.BS Trần Huy Thọ khuyên, đối với thuốc tẩy giun đường ruột chỉ tẩy được giun tròn, đũa, tóc, móc... chứ không tẩy được sán. Nên định kỳ tẩy giun để bảo vệ sức khỏe bởi thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển. Thói quen ăn uống như ăn rau sống, ăn hàng quán, ăn các món gỏi, thịt cá sống, tái... rất phổ biến. Quản lý thực phẩm cũng chưa tốt, truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn... Do vậy việc tẩy giun định kỳ là rất cần thiết.

Phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì khả năng hồi phục, đáp ứng điều trị sẽ tốt hơn nhiều so với phát hiện muộn. Khuyến cáo đưa ra để phòng bệnh là ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ho dai dẳng do sán ký sinh khắp ngườiHo dai dẳng do sán ký sinh khắp người

SKĐS - Sán dây gây bệnh nang sán có tên là Taenia solium, còn được gọi là sán dây lợn. Trứng của loài này được truyền từ người sang người qua phân, do nguồn nước bị nhiễm bệnh hoặc rửa tay không sạch sẽ khi chuẩn bị thức ăn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cách Chức Trưởng Phòng Tư Pháp Vì Trộm Hoa Giấy Ở Đắk Nông | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn