Rác thải y tế phát sinh chủ yếu tại các bệnh viện, trung tâm y tế nếu không được xử lý đúng cách sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe
Theo tìm hiểu, với đặc thù của ngành y tế là sử dụng đồ dùng 1 lần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, quy định nghiêm ngặt về an toàn nên lượng rác thải nhựa từ y tế là rất lớn.
Trong lĩnh vực y tế, rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế.
Từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế hay từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Hầu hết rác thải y tế là những mẫu bệnh phẩm chưa được phân theo đúng chủng loại, chưa được khử khuẩn trước khi thải bỏ, không có nhà lưu chứa hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn, trong đảm bảo vệ sinh và có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo các nhà quản lý, đối với sức khỏe con người, việc tiếp xúc với các loại rác thải y tế như bơm, kim tiêm, chai lọ đựng dung dịch có thể gây nên bệnh tật hoặc tổn thương cho cơ thể do các vật sắc nhọn. Các vật sắc nhọn này không chỉ gây nên những vết cắt, đâm mà còn gây nhiễm trùng các vết thương nếu vật sắc nhọn đó bị nhiễm tác nhân gây bệnh.
Trong rác thải y tế chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp, qua đường tiêu hóa.
Khi các loại rác thải y tế không được xử lý đúng cách, chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn thì sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Cùng với đó, nó sẽ gây ảnh hưởng tới những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải.
Việc sử dụng các sản phẩm túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần đã trở thành thói quen hàng ngày của đa số người dân, đặc biệt là trong môi trường bệnh viện. Việc tuyên truyền, vận động sẽ hiệu quả cao nếu đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên và người lao động cùng chung tay thực hiện trước, khi ấy người bệnh, người nhà bệnh nhân mới có thể cùng thực hiện.
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế
Thực hiện Chỉ thị 08 của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa, ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân nhằm thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Tại Văn phòng Sở Y tế, Trung tâm Kiểm sát bệnh tật, trong các cuộc họp, giao ban, tập huấn đã không còn tình trạng sử dụng chai nước khoáng nhỏ thay vào đó là các chai thủy tinh, hoặc các ấm sứ đựng nước. Việc thay đổi này đã giúp giảm thiểu rất nhiều chai nhựa nhỏ.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, việc phân loại rác thải theo từng nhóm riêng đã được các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện thực hiện tốt. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của các khoa cũng thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Công tác bảo vệ môi trường, xây dựng bệnh viện xanh, sạch sáng, giảm thiểu rác thải nhựa y tế được chú trọng thực hiện từ nhiều năm nay.
Thông qua phong trào "Giảm thiểu rác thải nhựa", BV Đa khoa tỉnh đã phổ biến, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa tại bệnh viện.
Cụ thể, cán bộ viên chức, người lao động tại bệnh viện này đã thực hiện thói quen hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, thường xuyên mang làn đi chợ, hộp, cặp lồng để đựng thức ăn chế biến sẵn. Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy tại nguồn để thu gom, tái chế đúng quy định.
Cùng với đó, bệnh viện cũng tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Theo lãnh đạo BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, để hạn chế sử dụng rác thải nhựa trong hoạt động y tế, cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống. Sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.
Để nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa trong hoạt động y tế, đơn vị đã phát động phong trào hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, bao bì nilon khó phân hủy, tiến tới "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần" tại bệnh viện và các Trạm Y tế.
"Trước mắt, chúng tôi yêu cầu các đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần trong công sở. Không sử dụng túi nilon, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của đơn vị và tại các hội nghị, hội thảo. Đồng thời, có phương án, lộ trình cụ thể thay thế các loại bao bì bằng nhựa, nilon đang được sử dụng để đựng thuốc, hồ sơ bệnh án bằng những vật liệu thân thiện môi trường theo yêu cầu của Bộ Y tế. Nghiên cứu, phối hợp để đề xuất phương án không xuất in phim âm bản nếu người bệnh không có nhu cầu", lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay.
Xử lý rác thải nhựa từ hoạt động y tế đúng cách
Hiện nay trong bệnh viện, hay các cơ sở y tế cần có các loại thùng rác tương ứng với đặc tính của rác thải. Rác thải được phân loại theo màu sắc để dễ xử lý hơn. Tuy nhiên, việc vận chuyển cũng phải tuân thủ theo các quy định rõ ràng để đảm bảo tính an toàn. Theo quy trình, việc xử lý rác trong bệnh viện được tuân thủ rõ ràng và nghiêm túc từ các bộ phận. Từ khâu quản lý, phân loại tại nguồn cho tới quy trình can thiệp và giám sát.
Trên thực tế, các phương pháp xử lý rác thải hiện nay được áp dụng nhiều trong thực tế như lò đốt hay nghiền cắt hấp tiệt trùng. Mỗi phương pháp được áp dụng trong điều kiện và mục đích sử dụng khác nhau cũng như ưu, nhược điểm khác nhau.
Để phân loại, xử lý rác thải y tế đúng cách cần xây dựng nội dung cụ thể cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cần đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư, bao bì, hóa chất cơ bản để thực hiện tốt quy trình xử lý dụng cụ, phân loại rác thải.
Khâu vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải y tế, có thể hợp đồng với tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân thực hiện. Lập kế hoạch quản lý chất thải y tế và xây dựng đề án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho quản lý chất thải y tế của đơn vị.
Mua và cung cấp đủ các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Phối hợp với các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải của địa phương để xử lý và tiêu hủy chất thải y tế theo quy định. Thực hiện các biện pháp làm giảm lượng chất thải y tế phải tiêu hủy qua các hoạt động giảm thiểu, thu gom, tái chế và tái sử dụng sau khi xử lý đúng quy định.