Tuy nhiên, lạm dụng kính áp tròng cũng có thể mang lại nhiều tác hại cho đôi mắt, thậm chí mù loà.
Kính áp tròng ra đời khắc phục được khá nhiều phiền toái cho người mắc tật khúc xạ phải gắn bó với cặp kính dày cộm. Tuy vậy khi sử dụng kính áp tròng cần đề phòng nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Những bất cập
Các nhà khoa học cảnh báo những người sử dụng kính áp tròng có thể bị mù mắt nếu mắc một loại ký sinh trùng thường được tìm thấy trong nước máy.Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được gắn vào mắt người, nó bắt đầu ăn mòn giác mạc của bạn. Hậu quả sẽ gây ra các triệu chứng mắt ngứa rát, chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau mắt. Kính áp tròng có màu thường có các thành phần hóa học quá mức, lại kết hợp với các thói quen xấu khi đeo kính hoặc mắt bị nhạy cảm với thời tiết có thể gây ra tắc nghẽn ở mắt, viêm ở mắt, thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng làm cho mắt bị biến dạng và nhiễm trùng mắt, gây các bệnh nghiêm trọng như thủng giác mạc mắt và có nguy cơ bị mù mắt vĩnh viễn.
Với các loại kính áp tròng màu, đặc biệt là loại đổi màu mắt, lớp đổi màu thường tương đối dày, chính vì vậy việc chăm sóc giác mạc tự nhiên của mắt không thể đảm bảo được 100%. Cũng vì lý do này bạn nên sử dụng thay đổi giữa kính áp tròng màu và kính áp tròng thường hoặc kính thông thường để mắt có thời gian được nghỉ ngơi. Một điểm bất lợi nữa của kính áp tròng màu (đặc biệt là loại có hình đặc biệt) là hạn chế góc nhìn của mắt trong điền kiện ánh sáng kém.
Cần dùng kính áp tròng đúng hướng dẫn của thầy thuốc để tránh tác hại cho mắt.
Màn kính áp tròng có thể làm giảm mối liên hệ của giác mạc với không khí. Mắt cũng giống như cơ thể con người, cũng cần được cung cấp oxy. Nếu sự tiếp xúc giữa mắt và không khí bị cản trở sẽ dẫn tới thiếu oxy, làm mỏi mắt và giảm sức đề kháng của mắt.
Kính áp tròng màu có ống kính gắn liền với mắt về lâu dài sẽ dẫn đến tê liệt dây thần kinh kết quả là các cảm giác ở giác mạc giảm, nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng loét giác mạc.
Lời khuyên của bác sĩ
Muốn đeo kính áp tròng, đầu tiên cần được bác sĩ khám để đảm bảo không có các bệnh lý viêm nhiễm đang tiến triển tại mắt, không bị khô mắt. Người sử dụng sẽ được khám để tư vấn, chọn đúng loại kính phù hợp với mắt của mình.
Khi sử dụng áp tròng việc quan trọng nhất là giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi lắp và tháo kính. Thay kính định kỳ theo đúng thời gian cho phép sử dụng. Ngoài ra, cũng cần chú ý một số vấn đề sau: trong thời gian đầu sử dụng kính áp tròng, mắt sẽ cảm thấy khó thích ứng nên cần phải có thời gian để mắt làm quen vật thể lạ. Khi đó, giữ lại cặp kính cũ đề phòng khi mắt gặp vấn đề với kính áp tròng là một việc cần thiết. Trước khi đi ngủ hoặc sau 8 - 10 giờ sử dụng kính áp tròng, tháo kính ra và ngâm vào dung dịch bảo quản theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất. Không đeo qua đêm với những loại chỉ đeo ban ngày. Mỗi lần đeo kính lại, hãy nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo để tránh làm khô giác mạc mắt và bảo vệ biểu mô giác mạc. Nếu mắt có cảm giác bị xốn, cộm, nóng rát và đỏ, bạn phải lấy kính ra khỏi mắt ngay và đi khám vì có thể mắt bạn không thích ứng được với dung dịch bảo quản kính. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi đeo kính áp tròng, nên bỏ kính khi đi ngủ, ngay cả ngủ trưa, không nên đeo khi đi bơi hay tiếp xúc gần với bếp gas, lửa, nguồn hơi nóng... vì những tác nhân trên sẽ làm tròng kính co lại, gây tổn thương mắt.
Khi đeo kính áp tròng hay kính gọng cần thường xuyên đi kiểm tra mắt theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu mắt có biểu hiện bất thường (cộm, đỏ, ngứa, rát...) cần đi khám và điều trị kịp thời. Không dùng chung kính áp tròng với người khác vì đây là một trong những nguyên nhân lây lan các vấn đề về mắt. Đặc biệt, nếu kính bị rách hay trầy xước thì phải bỏ ngay lập tức. Không nên sử dụng các loại kính áp tròng trôi nổi, không rõ nguồn gốc vì có thể gây ra các bệnh nguy hiểm cho mắt.