Tác hại khi nặn mụn không đúng cách

11-04-2024 06:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Mụn sinh ra nhưng không thể tự mất đi, nhất là đối với các nhân mụn đã trở thành cồi đen, cồi mụn già, bao xơ. Nặn mụn là biện pháp tác động cơ học giúp loại bỏ nhân mụn ra khỏi nền da ngay lập tức.

Nếu để lâu, mụn còn có nguy cơ tạo nên những khoảng trống dưới da, hình thành sẹo rỗ và giảm tính thẩm mỹ của làn da. Một lưu ý vô cùng quan trọng trước khi quyết định có nên nặn mụn hay không chính là phải xác định chính xác loại mụn có thể tự nặn. Nếu không tuân thủ bạn sẽ gặp những rắc rối cho làn da và sức khỏe.

Nặn mụn không đúng cách gây những tác hại gì?

Nhiễm trùng và viêm nhiễm

Khi nặn mụn trên mặt không đúng cách sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao. Nặn mụn vô tình gây nên các vết thương hở. Từ đó tạo đường dẫn thuận lợi giúp các vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và tấn công, dễ gây bùng viêm và bội nhiễm. Vi khuẩn từ tay và không khí có thể dễ dàng xâm nhập vào lỗ chân lông, gây nên tình trạng viêm nhiễm. 

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Điều này rất gây hại cho sức khỏe tổng thể của con người. 

Bên cạnh đó, nếu bạn nặn mụn khi nhân mụn chưa chín hoặc lỗ chân lông vẫn còn sưng đỏ thì không những không lấy hết nhân mụn mà còn làm tổn thương thành nang, mủ sẽ thấm sâu vào lớp hạ bì và làm tổn thương các mô biểu bì. Mụn sẽ xuất hiện trở lại và khó loại bỏ hơn sau đó.

Tác hại khi nặn mụn không đúng cách- Ảnh 1.

Nặn mụn sai cách sẽ khiến mụn phát triển từ sâu bên trong làn da.

Sẹo rỗ, sẹo lồi và vết thâm

Một trong những hậu quả lâu dài và khó khắc phục nhất khi nặn mụn không đúng cách đó để lại sẹo và vết thâm. Trong đó, việc tổn thương lớp biểu bì da do tác động mạnh rất dễ để lại sẹo hoặc vết thâm. Mặc dù có thể không bị tổn thương vĩnh viễn nhưng lại làm mất rất nhiều thời gian để phục hồi, gây ảnh hưởng đến làn da. 

Khi da bị tổn thương quá nặng, quá trình hồi phục và chữa lành da sẽ không thể hoàn toàn trở lại trạng thái "mịn màng" ban đầu sẽ dễ gây ra sẹo rỗ, sẹo thâm. Đặc biệt với những làn da có cấu trúc collagen yếu thì tỷ lệ để lại sẹo sau khi lành vết thương do nặn mụn sẽ rất cao.

Kích thích mụn phát triển

Nặn mụn sai cách sẽ khiến mụn phát triển từ sâu bên trong làn da. Lý do là bởi vi khuẩn khiến mụn viêm đỏ và có cơ hội lan sang vùng khác trên mặt. Điều này sẽ làm xuất hiện nhiều mụn cũng như việc điều trị trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Ảnh hưởng đến dây thần kinh

Ở mũi và miệng có rất nhiều dây thần kinh trung tâm ảnh hưởng đến nhiều giác quan của bạn. Việc nặn mụn gây cảm giác đau đớn, khó chịu khi da bị ép và đẩy mụn lên, ép lượng dầu ở vùng da quanh mụn làm tăng khả năng lan vi khuẩn sang các vùng khác.

Làn da hư tổn, lão hóa

Việc nặn mụn không đúng cách còn gây hại đến bề mặt làn da, làm mất đi tính đàn hồi và sức khỏe tự nhiên của da. Tổn thương liên tục của làn da có thể dẫn đến tình trạng da bị yếu, trở nên dễ tổn thương trước các yếu tố môi trường như nắng, gió, ô nhiễm.

Tác hại khi nặn mụn không đúng cách- Ảnh 2.

Nếu không tuân thủ nặn mụn đúng cách bạn sẽ gặp những rắc rối cho làn da và sức khỏe.

Cách chăm sóc da sau khi nặn mụn

Việc chăm sóc và phục hồi da sau khi nặn mụn là rất cần thiết. Hãy áp dụng như sau:

  • Không chạm tay lên da mặt sau khi nặn mụn vì vi khuẩn có hại tiếp xúc trên làn da mỏng manh nhạy cảm sau điều trị. Từ đó có thể gây viêm nhiễm, khó lành vết thương cũ và dễ hình thành mụn mới.
  • Sau 24h khi nặn mụn, không nên cho da tiếp xúc với bất kỳ một loại mỹ phẩm nào cả. Chỉ nên rửa mặt bằng nước muối sinh lý và thỉnh thoảng dùng xịt khoáng để cấp nước cho da.
  • Không sử dụng các hoạt chất mạnh trên da như dùng retinol, tretinoin, AHA, BHA,... Việc lạm dụng này có thể sẽ khiến da bị bào mòn nhiều hơn, tăng mức độ kích ứng, suy giảm hệ miễn dịch của làn da.
  • Bảo vệ làn da trước tia UV bằng cách sử dụng kem chống nắng 30 phút trước khi ra ngoài.

Quy trình nặn mụn chuẩn y khoa:

- Toàn bộ dụng cụ lấy nhân mụn cần được đảm bảo vệ sinh, hấp, tiệt trùng vô khuẩn tuyệt đối. Không được sử dụng dụng cụ nặn mụn chung với nhau.

- Lấy nhân mụn cần phải lấy đúng kỹ thuật, đảm bảo lấy sạch nhân và không để lại thâm.

- Vô khuẩn suốt quá trình lấy nhân mụn để hạn chế tình trạng da tái nhiễm trùng hoặc bội nhiễm.

- Sau khi lấy mụn xong, chú trọng các bước khử khuẩn, làm dịu và phục hồi vùng da mụn tại chỗ, tránh hình thành sẹo.

Xem thêm video được quan tâm:

Những lý do khiến mụn lưng tiến triển dai dẳng và cách khắc phục - SKĐS


BS. Vũ Khanh
Ý kiến của bạn