Hà Nội

Tác hại do sử dụng corticoid tại chỗ không đúng

17-07-2020 13:18 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Được ứng dụng trong lâm sàng từ giữa thế kỷ 20 đến nay, thuốc corticoid dùng tại chỗ đã trở thành một liệu pháp nền tảng không thể thay thế trong điều trị các bệnh lý da liễu. Tuy vậy, bên cạnh lợi ích điều trị, thuốc cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, cần có những hiểu biết đúng về thuốc và các lưu ý trong sử dụng để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Tác dụng của corticoid dùng tại chỗ

Về cơ bản, nhóm thuốc corticoid nói chung phát huy tác dụng khi dùng tại chỗ trong da liễu có tác dụng chính là chống viêm, ức chế miễn dịch, chống tăng sinh và gây co mạch. Do đó, nhóm thuốc này đặc biệt hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về da có đặc trưng là tình trạng viêm (như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc), tăng sinh (như vảy nến) và/hoặc có liên quan đến cơ chế miễn dịch.

Dựa theo hoạt lực của thuốc, các corticoid tại chỗ được phân loại thành 4 nhóm: nhóm hoạt lực rất mạnh (ví dụ clobetasol propionate kem 0,05%), nhóm hoạt lực mạnh (như betamethasone valerate thuốc mỡ 0,1%), nhóm hoạt lực trung bình (ví dụ triamcinolone acetonide kem 0,1%) và nhóm hoạt lực yếu (ví dụ hydrocortisone acetate kem 1%).

Chỉ nên bôi một lớp kem mỏng, đủ kín vùng da bị bệnh.

Chỉ nên bôi một lớp kem mỏng, đủ kín vùng da bị bệnh.

Những lưu ý đặc biệt khi sử dụng

Dù tần suất gây tác dụng không mong muốn thấp hơn so với khi sử dụng ở đường toàn thân (uống, tiêm), các corticoid dùng tại chỗ vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ trên da và một số tác dụng phụ toàn thân, đặc biệt khi sử dụng nhóm hoạt lực mạnh, kéo dài hoặc trên một vùng da rộng lớn. Tác dụng phụ có thể gặp nhiều hơn khi sử dụng ở trẻ em và người cao tuổi, do đó cần thận trọng khi sử dụng trên những đối tượng này.

Các tác dụng phụ tại chỗ có thể kể đến là da ửng đỏ, khô da, teo da, nứt da, rậm lông, tăng nhạy ánh sáng... và đôi khi thuốc gây tác dụng phụ toàn thân như Hội chứng Cushing, tăng nhãn áp, rối loạn về chuyển hóa và điện giải.

Hoạt lực của thuốc: Các tổn thương da dạng viêm, cấp tính và tại vùng da mỏng (như viêm da tã lót, viêm da cơ địa) đáp ứng với nhóm hoạt lực trung bình hoặc yếu. Ngược lại, các tổn thương da mạn tính ở vùng bì cứng, tăng sừng hóa, lichen hóa (như lichen phẳng, vảy nến) có thể chỉ đáp ứng với các thuốc nhóm mạnh đến rất mạnh.

Vị trí và độ rộng của tổn thương: Vùng da ở các vị trí khác nhau trên cơ thể người có cấu trúc và độ dày mỏng khác nhau, do đó cũng có mức độ hấp thu thuốc khác nhau. Khi điều trị các tổn thương ở vùng da có lớp sừng mỏng, như da mặt hay da ở nếp gấp (nách, bẹn, đáy chậu, vùng nếp vú), thuốc được hấp thu tốt, các thuốc hoạt lực yếu là lựa chọn ưu tiên phù hợp. Trong một số trường hợp cần thiết, cũng có thể sử dụng nhóm hoạt lực trung bình đến mạnh trong thời gian ngắn (khoảng 2 tuần). Ngược lại, các tổn thương ở vùng da có lớp sừng dày, như ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, thường cần điều trị với nhóm hoạt lực mạnh đến rất mạnh để đạt được tác dụng mong muốn.

Khi cần điều trị trên một vùng da rộng, do nguy cơ hấp thu toàn thân, nhóm thuốc hoạt lực yếu và trung bình là lựa chọn phù hợp, tránh dùng nhóm hoạt lực mạnh đến rất mạnh.

Dạng bào chế của thuốc: Ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc qua da. Thuốc mỡ phù hợp cho các tổn thương da dày, khô, nứt nẻ, sừng hóa. Dạng kem dùng ở vùng da ẩm và ở các nếp gấp da, hoặc dùng để bôi vào các hốc sâu như âm đạo. Dạng lotion và gel lại phù hợp ở những vùng da nhiều lông vì đặc tính bay hơi và khô nhanh.

Độ tuổi của người bệnh: Da trẻ em thường mỏng hơn người lớn và thay đổi dần theo độ tuổi, do đó mức độ hấp thu thuốc cũng thay đổi. Ở trẻ em chỉ nên dùng nhóm hoạt lực yếu và trung bình trong một thời gian ngắn hạn.

Sử dụng corticoid sao cho an toàn?

Để sử dụng corticoid tại chỗ an toàn, nên:

Dùng loại hoạt lực yếu nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi.

Không trộn corticoid với các sản phẩm dùng ngoài da khác.

Tần suất sử dụng 1-2 lần/ngày thường được khuyến cáo cho hầu hết các sản phẩm. Đôi khi có thể dùng ở tần suất cao hơn ở các bệnh lý khó điều trị. Tránh điều trị kéo dài ở vùng da mỏng như quanh hốc mắt, da mặt và vùng da tại các nếp gấp.

Bôi một lớp thuốc mỏng và xoa nhẹ, đủ kín vùng da bị bệnh.

Không nên ngừng thuốc đột ngột để tránh phản ứng dội ngược. Khi bệnh cải thiện, nên giảm dần tần suất sử dụng và/hoặc chuyển sang dùng thuốc có hoạt lực yếu hơn trước khi ngừng hẳn.

Nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau 2-4 tuần dùng thuốc, nên tái khám để bác sĩ đánh giá lại việc chẩn đoán và điều trị.


DS. Phạm Công Khanh
Ý kiến của bạn