1. Những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khi mặc áo lót ngực không vừa
Đối với mỗi người phụ nữ, ngực là bộ phận quan trọng giúp tạo nên sự hấp dẫn nữ tính. Vì vậy, việc giữ cho bộ ngực khỏe mạnh và săn chắc luôn là điều quan trọng. Áo lót ngực không chỉ hỗ trợ nâng ngực, mang lại sự thoải mái mà cón đáp ứng tính thẩm mỹ thông qua việc ngăn ngừa ngực chảy xệ. Nhưng nhiều chị em thường không chú trọng đến việc lựa chọn áo lót ngực, dẫn đến mặc sai kích cỡ.
Việc mặc áo lót không vừa vặn có thể gây nhiều rủi ro cho sức khoẻ, bao gồm:
- Đau lưng mãn tính: Nhiều nghiên cứu đã đề xuất, việc thường xuyên mặc áo lót ngực không vừa vặn có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chứng đau cơ xương, đặc biệt, ở những phụ nữ có kích cỡ ngực lớn.
Dây đeo vai của áo ngực được thiết kế như một giá đỡ, nhưng nếu được hỗ trợ kém, sức nặng của ngực có thể kéo đốt sống ngực và đốt sống cổ về phía trước và hạn chế chức năng bình thường của cổ, vai và thân trên. Sự thích ứng cơ học kéo dài này có thể góp phần vào sự phát triển của chứng đau lưng mãn tính theo thời gian.
- Ngực chảy xệ: Ngực chứa một hệ thống dây chằng và áp lực từ chiếc áo ngực không vừa vặn có thể làm tổn thương dây chằng, làm ngực chảy xệ sớm.
- Vấn đề về hô hấp: Nếu mặc áo ngực quá chật, có thể gây áp lực lên phần thân trên và ảnh hưởng đến phổi và ngực, gây khó thở.
- Đau và viêm vú: Áo ngực chật cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn và sản xuất sữa nếu bạn đang cho con bú. Khi cho con bú, các ống dẫn sữa sẽ đưa sữa từ sâu trong vú đến núm vú. Áo ngực chật và có gọng cứng, có thể trở thành vật cản dòng chảy và làm tắc ống dẫn sữa. Sự tắc nghẽn này sau đó có thể gây đau hoặc viêm ở vú.
- Tổn thương dây thần kinh: Áo ngực quá nhỏ có thể tạo áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh gần khung xương sườn và vai, cũng như hạn chế lượng máu cung cấp đến mô vú gây đau và có thể lan xuống cánh tay.
- Tổn thương mô: Các mô ở ngực và núm vú rất nhạy cảm, không chịu được áp lực do cúp ngực hoặc dây đeo áo quá ngắn tạo ra.
- Khó tiêu: Khi mặc áo ngực quá chật, có thể gây áp lực lên cơ hoành, phần dưới thực quản và dạ dày. Kết quả là bạn có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu và ợ nóng. Hơn nữa, nếu bạn bị hội chứng ruột kích thích IBS, áp lực tăng thêm này có thể khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn
- Kích ứng da: Áo lót không vừa vặn có thể tạo ra ma sát, gây trầy xước da. Dây áo lót chặt có thể hằn sâu vào da, để lại vết đỏ gây đau đớn.
2. Làm thế nào để tìm được kích cỡ áo lót ngực phù hợp?
Mặc dù việc tìm kiếm kích cỡ áo lót hoàn hảo có thể mất chút thời gian nhưng đây là một khoản đầu tư xứng đáng. Việc lựa chọn chiếc áo lót phù hợp không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn giúp ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Vì vậy, hãy dành thời gian để chọn áo ngực phù hợp với bạn.
Dưới đây là những lưu ý giúp bạn chọn được chiếc áo lót ngực phù hợp:
- Dây ngang lưng: Là phần dây áo chạy quanh toàn bộ chiều rộng của chiếc áo ngực. Đây có lẽ là bộ phận quan trọng nhất trong cấu tạo của áo ngực. Dây đeo phải vừa khít với thân mình của bạn, không được chật nhưng cũng không được quá lỏng lẻo.
- Cúp ngực: Cúp ngực là phần quan trọng thứ hai của áo ngực vì đây là phần tiếp xúc trực tiếp với bầu ngực. Cúp phải ôm trọn bầu ngực, nhưng không quá chặt khiến bầu ngực tràn ra mép và ngược lại không nên quá rộng.
- Móc áo: Móc áo là phần quan trọng thứ ba của áo ngực vì nó là bộ phận kết nối. Móc áo có thể là bộ hai, ba hoặc đôi khi là bốn hàng móc và mắt cài. Khi thử áo ngực lần đầu tiên, hãy sử dụng móc ở xa nhất. Để theo thời gian, khi dây áo ngực bị lỏng có thể điều chỉnh đến móc trong cùng để vừa vặn hơn.
- Dây đeo: Phần cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong cấu trúc áo ngực là dây đeo. Đây là bộ phận có thể điều chỉnh được và đôi khi có thể tháo rời. Khi kiểm tra áo ngực phải đảm bảo dây đeo không quá ngắn, nếu không nó sẽ hằn sâu vào da và để lại những vết hằn khó coi và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây tổn thương da. Cũng không nên để dây đeo quá lỏng. Do kích thước hai bầu ngực có thể không bằng nhau, nên có thể cần điều chỉnh dây đeo hai bên để thoải mái hơn.
Ngoài ra, do cấu trúc đặc biệt và mang tính chu kỳ của cơ thể, bộ ngực luôn thay đổi, vì vậy bạn nên chuẩn bị sẵn một vài chiếc áo ngực có kích cỡ khác nhau để đảm bảo bạn cảm thấy thoải mái trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là hai tuần trước kỳ kinh khi ngực có xu hướng tăng kích thước to hơn.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Thực hư uống sữa đậu nành ngực sẽ to hơn -SKĐS