“Đã có bằng chứng rõ ràng: Không có ngưỡng an toàn cho việc phơi nhiễm khói thuốc thụ động. Rất nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã bắt tay hành động. Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia còn lại hãy tiến hành ngay các biện pháp để thông qua luật yêu cầu phải thực hiện cấm hút thuốc ở tất cả các khu vực công cộng và nơi làm việc trong nhà để bảo vệ sức khỏe người dân”. 10 năm trước, ngày 29/5/2007, TS. Margaret Chan, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra lời phát động phòng tránh việc hút thuốc nơi công cộng.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm: nơi làm việc, các khu vực công cộng trong nhà, cơ sở lưu trú du lịch, khu vực trong nhà của các nhà hàng vì mức độ nghiêm trọng do khói thuốc gây ra.
Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế tập huấn xây dựng môi trường không khói thuốc tại khách sạn Hội An.
Ô nhiễm môi trường
Mức độ ô nhiễm khói thuốc trong nhà hàng cao gấp 3-5 lần so với môi trường làm việc khác và cao gấp 8-20 lần so với môi trường nhà ở có ít nhất 1 người hút thuốc. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, các nhà hàng/quán bar cho phép hút thuốc lá bên trong nhà có mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 4,4 lần mức an toàn theo quy định của Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ.
Những nhân viên làm việc trong các nhà hàng ô nhiễm khói thuốc nặng tiếp xúc với lượng benzopyren ngang với hút 1-2 bao thuốc/ngày. Khói thuốc gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân viên và khách; gây ấn tượng không tốt với khách hàng, đặc biệt là những khách hàng không hút thuốc, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Tổn thất về kinh tế
Hút thuốc làm tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc; làm tăng nguy cơ cháy nổ; tăng chi phí quét dọn và bảo dưỡng cơ sở vật chất của khách sạn, nhà hàng. Khói thuốc làm xỉn màu, làm xấu và nhanh hỏng các tài sản; khói thuốc ám mùi lên quần áo, rèm cửa, khăn phủ bàn và các đồ đạc trong khách sạn, nhà hàng làm cho việc xử lý hoặc thay thế tốn kém hơn. Mùi khói thuốc ảnh hưởng xấu tới vẻ sang trọng và sức hấp dẫn của khách sạn, nhà hàng.
Ý nghĩa của việc xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá
Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá; giúp người không hút thuốc lá (cán bộ, nhân viên ngành du lịch, khách du lịch) giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Môi trường du lịch không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá.
Môi trường du lịch không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho hút thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi hơn như: thực phẩm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa.
Môi trường du lịch không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc, giảm bớt chi phí vệ sinh môi trường; góp phần bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch trong lành, thu hút khách du lịch.
Giúp tăng thêm lợi nhuận cho các cơ sở du lịch
Người không hút thuốc lá là những người chiếm số đông trong cộng đồng. Theo Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, 76,2% người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) không hút thuốc. Người không hút thuốc có quyền và mong muốn được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Người không hút thuốc sẽ không muốn đến những nơi bị ô nhiễm bởi khói thuốc.
(Nguồn tham khảo: Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá Quốc gia)