Hà Nội

Tác hại của thức uống chứa cồn với sức khỏe

21-08-2019 10:12 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thức uống chứa cồn rất độc hại cho cơ thể vì ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động.

Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện, nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).

Uống rượu thời gian dài dẫn đến bệnh tâm thần

Một người đàn ông (51 tuổi, ở Nam Định) trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, sốt cao, run tay, vã mồ hôi... được gia đình đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra sức khỏe. Vợ của bệnh nhân là chị N.T.Hoa kể, trước đây chồng chị uống rượu nhưng ít, hiền lành, chăm chỉ, chịu khó làm việc, nhờ đó có xưởng mộc riêng, kinh tế gia đình ổn định. Khoảng 7 năm trở lại, anh uống rượu nhiều hơn sau mỗi buổi làm. Anh có thói quen phải uống 2 chén rượu trước mỗi bữa cơm... Càng ngày sức khỏe suy giảm, tính khí của chồng chị thay đổi, hay cáu gắt và không chịu làm việc.  Khuyên bảo không được, chị Hoa tự ngâm rượu nếp cho anh uống vì sợ rượu bên ngoài không tốt cho sức khỏe. “Nhưng nhiều lần ngâm chưa ngấm thì anh ấy đã uống hết, thậm chí còn lén uống ở ngoài” - chị Hoa nói. Cũng từ khi nghiện rượu, công việc chồng bê trễ khiến kinh tế khó khăn, rồi phá sản, cả gia đình sống bằng đồng lương công nhân của chị. Vài tháng gần đây, chồng chị mệt mỏi, nôn mửa, sốt cao, vã mồ hôi, run tay, tinh thần hoảng loạn và hay nói chuyện một mình. Anh điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy thận, rối loạn điện giải, men gan tăng. Sau 5 ngày, anh được chuyển về Khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần để điều trị rối loạn tâm thần.

Thức uống chứa cồn rất độc hại cho cơ thể.

Thức uống chứa cồn rất độc hại cho cơ thể.

Những hệ lụy khi lạm dụng rượu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Trung bình mất khoảng 1 giờ để cơ thể phân hủy 1 đơn vị rượu. Thời gian này có thể sớm hay muộn hơn tùy theo tuổi, cân nặng... của người uống. Rượu ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận cơ thể, nặng nhất là não và hệ thần kinh trung ương, sau đến gan, thận, tim, dạ dày... Dạ dày hấp thu nhanh 20% rượu, sau đó đến ruột non và lên não.

Tác động trên hệ thống não bộ: Khi nồng độ rượu trong máu trên 0,3% sẽ bị rối loạn tư duy, tri giác, vận động, khi nồng độ rượu từ 0,4 - 0,5% cả hai quá trình hưng phấn và ức chế bị suy giảm, người uống rượu có thể dẫn đến hôn mê. Khi nồng độ rượu đến 0,6 - 0,7% người uống rượu có thể tử vong.

Người uống rượu thường xuyên kéo dài thường bị rối loạn cảm xúc, có tư tưởng chống đối, rối loạn lo âu, gần 40% số người nghiện rượu bị trầm cảm, có thể bị liệt mềm, mất trí.

Một số bệnh não do rượu: Thường do thiếu dinh dưỡng và thiếu vitamin nhóm B gây ra, thường gặp một số bệnh như: bệnh não Gayet - Wernike, loạn thần Korsakoff, bệnh Marchiafava - Bignami, bệnh não giả Pellagra, bệnh Myeline, teo não.

Tác động trên hệ tim mạch - hô hấp: tăng huyết áp, mạch nhanh. Bệnh cơ tim trên người nghiện nặng.  Chán ăn, phù, dễ dẫn đến hội chứng suy tim. Viêm phổi hoặc lao phổi mắc phải.

Tác động trên hệ tiêu hóa: Rượu gây kích thích, viêm niêm mạc dạ dày, viêm teo dạ dày, loét dạ dày và xuất huyết dạ dày, viêm loét hành tá tràng. Hiện tượng trào ngược thực quản do viêm cơ vòng môn vị. Người nghiện cảm thấy nóng rát sau xương ức, cảm giác nôn, có thể gây nôn. Trường hợp nặng có thể thủng dạ dày ở vùng co thắt.

Tác động trên gan: Một lượng lớn rượu được chuyển hóa tại gan, do đó gan bị suy yếu, ngộ độc dẫn đến gan dễ bị nhiễm mỡ, có thể gây viêm gan do rượu. Người nghiện rượu lâu năm bị xơ gan, vàng da, lách to, cổ trướng, gan to hoặc teo nhỏ, teo tinh hoàn, chứng vú to...

Ngoài ra, rượu còn cản trở sự hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng.  Người nghiện rượu bị giảm acid folic gây thiếu máu. Làm tăng nguy cơ gây ung thư: vòm hầu, họng, thanh quản, thực quản và gan.

Đối với hoạt động tình dục: Rượu làm suy giảm hoạt động tình dục. Nhiều người lầm tưởng rượu là chất gây hưng phấn tình dục. Thực tế, rượu là chất ức chế, do quá trình ức chế không đồng đều nên tạo ra trạng thái hưng phấn giả. Ở một liều lượng nhất định, người uống cảm thấy tăng ham muốn tình dục, nhưng thực tế họ đang mất khả năng kiềm chế. Lúc này hoạt động tình dục không hiệu quả. Uống rượu kéo dài sẽ làm tổn thương tinh hoàn, dẫn đến vô sinh ở nam...

Lời khuyên của thầy thuốc

Với cơ thể con người, cồn được xem như là chất độc không hơn không kém. Khi uống thức uống có cồn, rất nhiều cơ quan trong cơ thể ta phải làm việc cật lực để giải độc và thường là thích ứng với sự độc này. Rượu bia không làm cho ngộ độc tức khắc (trừ trường hợp ngộ độc nặng như uống phải rượu dởm chứa độc chất methanol dẫn đến tử vong) mà phá hủy cơ thể người dùng nó một cách ngấm ngầm, để đến lúc nào đó cơ thể bị hàng loạt bệnh tật tấn công.

Cơ quan chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương (uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu, là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng với nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị xơ gan), rồi đến dạ dày tá tràng... Rượu bia ức chế vùng vỏ não điều khiển sự tự chủ, biết kiềm chế của con người. Uống nhiều rượu bia sẽ làm tê liệt hệ thần kinh tự chủ, sự phán đoán và ý thức đạo đức. Hậu quả tất yếu của việc lạm dụng rượu bia là hành vi bạo lực, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội.

Theo một số quan điểm của nhà nghiên cứu, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau và phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học... Do đó, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ.

Không nên pha trộn rượu với các loại hoa quả hay những loại nước có ga, bia, caffein... do khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.


BS. Lê Thị Thu
Ý kiến của bạn