Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng rất dễ bị thiếu iốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu iốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.
Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng...
Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ngoài ra, thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em... Cũng theo WHO trên toàn thế giới từ năm 1993 đến năm 2003 có 707,7 triệu trẻ em từ 6-12 tuổi bị bướu cổ trên tổng số 848 triệu em, chiếm 83,5% tổng số trẻ em từ 6-12 tuổi. Trong đó Việt Nam nằm trong khu vực thiếu iốt có tỉ lệ rất cao chiếm tỷ lệ 95,7%.
Mặt khác, theo điều tra, gần 47% học sinh hoàn toàn không hiểu biết gì về lợi ích của chất này. Một số gia đình không có thói quen sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày. Theo các cuộc khảo sát, hiện nay có 90% các bậc cha mẹ hiểu rõ tác dụng của muối iốt nhưng chưa thực sự quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống bận rộn khiến các gia đình ít khi đủ mặt trong 3 bữa ăn chính. Vì vậy, lượng muối iốt được dùng trong các bữa ăn gia đình chưa đủ đáp ứng nhu cầu iốt của cơ thể. Trong khi đó, việc dùng muối iốt cho thức ăn chế biến sẵn trên đường phố và thức ăn công nghiệp (đồ hộp, đồ nguội) lại chưa được quan tâm.
Thiếu hụt iốt - một nguyên nhân dẫn đến bướu cổ.
Việc nâng cao ý thức sử dụng muối iốt trong cộng đồng hiện tại cần được đẩy mạnh. Bằng việc tuyên truyền về tác hại của thiếu muối iốt tới các bậc phụ huynh cũng như trong các trường học, tầm quan trọng của việc sử dụng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình hoặc trường học hay những nơi công cộng sẽ được quan tâm một cách đúng mức hơn.
BV Nội tiết TW