Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ
Trong những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang ở mức báo động. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 8 tháng 1/2025, dự báo mức độ ô nhiễm sẽ đạt ngưỡng rất xấu, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Thủ đô Hà Nội, cùng với các tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình, tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tình trạng ô nhiễm. Tại một số khu vực như Thái Nguyên, Hưng Yên và Thái Bình, chỉ số ô nhiễm đã đạt ngưỡng "rất xấu", gây ra những tác hại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Dựa trên dữ liệu từ các hệ thống theo dõi chất lượng không khí như của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Mỹ và PAM Air, Hà Nội đã ghi nhận chỉ số ô nhiễm cao nhất vào sáng ngày 5/1, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Dhaka (Bangladesh) và Baghdad (Iraq).
Mức độ ô nhiễm ở thành phố này thậm chí còn vượt qua các thành phố thường xuyên chịu ô nhiễm nghiêm trọng như Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan). Điều đáng lo ngại là ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các khu vực lân cận có thể kéo dài từ 3-4 ngày, với đỉnh điểm vào ngày 6 và 7 tháng 1.
Mặc dù gió mùa Đông Bắc giúp giảm thiểu ô nhiễm vào khoảng ngày 9/10 tháng 1, nhưng nguy cơ ô nhiễm tái diễn vào các ngày sau đó vẫn rất cao. Những đợt ô nhiễm kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn 1/30 sợi tóc, có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, gây ra nhiều căn bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch.
Một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí, như vậy hằng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí, khi hít thở làm tăng nguy cơ đau tim và tỉ lệ đột quỵ.
Theo các chuyên gia, những con số bụi mịn PM2.5, khí NO2 liên tục vượt ngưỡng cho phép không chỉ là những con số khô khan, mà chính là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người mắc bệnh mạn tính.
Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, ông Tùng cho rằng Hà Nội đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng không khí" mà nếu không hành động ngay lập tức và thật sự quyết liệt, cái giá phải trả sẽ không chỉ là tài chính, mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.
Giảm nguồn phát thải lớn để khắc phục ô nhiễm không khí
TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế công cộng, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu và đánh giá về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, cũng nêu quan điểm về các giải pháp bên cạnh việc dừng hoạt động giáo dục khi ô nhiễm không khí nguy hại.
"Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, khi mà ô nhiễm tăng cao, họ sẽ giảm các nguồn phát thải lớn, ví dụ như các nguồn công nghiệp có lượng phát thải lớn và các nguồn cận các khu đông dân. Thứ hai, chúng ta sẽ nhìn thấy là nếu mà ở trong các vùng mà hiện nay ô nhiễm không khí khó kiểm soát, như Hà Nội của chúng ta là một trong các điểm nó "hơi thung lũng", không có gió và khả năng luân chuyển của không khí kém như thế này thì người ta sẽ xem xét.
Đó là người ta xem xét hạn chế các phương tiện, ví dụ như là các xe ô tô tải hoặc là các xe cá nhân chẳng hạn, và sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp công cộng như là một biện pháp tức thời làm gia tăng chất lượng không khí cấp bách.
Trước tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Đầu tiên, khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức nguy hại (201-300), người dân cần hạn chế tối đa các hoạt động ngoài trời và vận động mạnh. Nên thực hiện các hoạt động trong nhà hoặc hạn chế di chuyển khi không cần thiết.
Đối với những người nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm.
Bên cạnh đó, khi ra ngoài, đặc biệt trong những ngày ô nhiễm nặng, người dân nên đeo khẩu trang chống bụi mịn (PM2.5), có khả năng ngăn ngừa các hạt bụi nhỏ, độc hại xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài việc bảo vệ bản thân khi ra ngoài, người dân cần chú trọng đến việc vệ sinh cơ thể và không gian sống. Sau khi ra ngoài, hãy vệ sinh mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn và chất ô nhiễm.
Trong nhà, nên thường xuyên dọn dẹp và đảm bảo thông thoáng không gian sống, hạn chế bụi bẩn tích tụ. Một trong những biện pháp quan trọng khác là lựa chọn phương tiện giao thông hợp lý.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ông Lưu Bình Nhưỡng nói lời sau cùng trước tòa: ‘Mong được Đảng, nhân dân lượng thứ’ | SKĐS