Tác hại của nghiện thuốc chữa bệnh

20-10-2018 09:06 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mẹ chồng tôi có thời gian bị mất ngủ, mẹ tôi có khám bác sĩ và được tư vấn dùng thuốc ngủ.

Tuy nhiên 2 năm liên tục bà cứ phải uống thuốc mới ngủ được còn không thì ngủ không ngon. Vậy có phải mẹ tôi bị nghiện thuốc chữa bệnh? Bệnh này sẽ có những biểu hiện gì, thưa bác sĩ?

Trần Thanh Sơn (Nghệ An)

Nghiện thuốc, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, là tình trạng cơ thể không hoạt động được bình thường nếu thiếu loại thuốc hoặc dược chất mà nó đã quen. Người bệnh cảm thấy cần phải tiếp tục sử dụng loại thuốc này vì nếu ngưng, họ sẽ thấy khó chịu, thiếu hụt hoặc cảm thấy bệnh có thể đột biến trở lại. Rất nhiều thuốc điều trị bệnh nếu bệnh nhân sử dụng thường xuyên và không đúng cách có thể gây nghiện. Chẳng hạn, việc cắt thuốc co mạch chữa viêm mũi có thể khiến bệnh tái phát nặng hơn; người nghiện thuốc ngủ nếu không dùng nữa sẽ không tài nào nhắm mắt được...  Nghiện thuốc thường dẫn đến ngộ độc thuốc cấp và mạn, có thể gây tử vong. Riêng nghiện thuốc ngủ có một tác hại nữa là chức năng gan, thận bị ảnh hưởng do các cơ quan thải độc này phải làm việc quá nặng trong thời gian dài.

Khi bị nghiện thuốc, bệnh nhân thường có các biểu hiện sau: Khi bị cắt thuốc, bệnh nhân thấy bồi hồi, bứt rứt mất ngủ, lo âu, hoảng sợ, suy nhược, đôi khi bị ảo giác, rối loạn trong cách cư xử với người khác, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, đau cơ, chuột rút, rối loạn vận mạch, huyết áp không ổn định, tim đập nhanh, chảy nước mắt, rối loạn nổi da gà. Để ngừa chứng nghiện thuốc, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc. Nếu thấy có cảnh báo, kể cả đơn do bác sĩ kê, cũng cần hỏi lại bác sĩ điều trị thật kỹ. Dùng thuốc phải đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian tùy loại bệnh và tùy từng trường hợp cụ thể do bác sĩ quyết định.


BS. Nguyễn Dinh
Ý kiến của bạn