Theo các nhà nghiên cứu, những sự thay đổi này đang nhào nặn hành vi con người theo chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực.
Xét riêng những khía cạnh tiêu cực, mạng xã hội được xem là một trong những tác nhân nổi bật gây nên nhiều chứng rối loạn tâm lý và tâm thần đáng lưu ý trong thời đại ngày nay.
Những tác hại
Các nhà khoa học đồng thời phát hiện ra rằng sự phổ biến của mạng xã hội là tác nhân gây ra hoặc làm trầm trọng hơn nhiều chứng rối loạn tâm lý ở con người như trầm cảm, âu lo, ADHD, rối loạn ăn uống và tình trạng nghiện Internet. Những biểu hiện cụ thể:
- Kém tự tin, sa sút lòng tự trọng.
- Cảm thấy khó chịu, chán nản mỗi khi xem hình ảnh về cuộc sống của những người khác trên mạng xã hội.
- Ghen tỵ với cuộc sống của người khác, mong muốn mình được như thế.
- Bị phụ thuộc vào mạng xã hội, cảm thấy rằng việc sử dụng nó là hoạt động giải trí duy nhất có ý nghĩa.
- Không còn hào hứng với những cuộc gặp mặt trực tiếp với người thân, bạn bè và các mối quan hệ xã hội; tự cô lập bản thân mình với cuộc sống bên ngoài.
Ngủ không đủ giấc hoặc mất ngủ vì bận tương tác với các mối quan hệ trên mạng xã hội
Không chịu đựng nổi việc mình không có gì thú vị để chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2014 được thực hiện trên 1.500 người sử dụng Facebook và Twitter ở Vương quốc Anh, 62% số người được khảo sát thừa nhận rằng mạng xã hội khiến họ cảm thấy không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình và 60% cảm thấy ghen tỵ với những người họ theo dõi trên mạng xã hội. Công trình nghiên cứu năm 2015 của hai nhà khoa học Jiao Wu và Mark Srite khẳng định rằng hoạt động đăng hình “sống ảo” chính là nguồn cơn của tình trạng ganh ghét và so đo lẫn nhau trong cộng đồng người dùng mạng xã hội: phần lớn những người này có xu hướng chỉ chia sẻ những hình ảnh đẹp nhất của mình lên mạng; trước đó, gần như tất cả những hình ảnh này đều đã được họ chỉnh sửa mạnh tay đến mức hoàn hảo nhằm mục đích “tô hồng” cuộc sống của mình, tôn vinh bản thân và gây ấn tượng với những người khác. Thực trạng này đặc biệt thường xảy ra ở Facebook và Instagram, nơi người dùng được cho là chỉ “đăng lên mạng những gì người khác muốn thấy”, và phần nhiều trong số những hình ảnh này chẳng hề phản ánh chính xác hiện thực cuộc sống của chủ nhân của chúng. Tình trạng này khiến con người so sánh cuộc sống của mình với những hình ảnh “sống ảo” kia, dẫn đến sự ghen tị, đố kỵ và hành vi tự phê bình những thành công và thất bại trong cuộc sống của chính mình một cách cực đoan - kết luận của các nhà khoa học Steers, Mai Ly N. và cộng sự trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Social and Clinical Psychologyvào năm 2014.
Trong một nghiên cứu khác về tác hại của Facebook đối với tinh thần con người vào năm 2015, nhóm tác giả đến từ Đại học Missouri khám phá ra rằng một khi việc dùng mạng xã hội khơi gợi cảm giác tự ti và ganh tị ở một người, người đó có nhiều nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm mãn tính nếu họ còn tiếp tục tương tác với những trang mạng đó một cách thường xuyên và kéo dài. “Nếu bạn đang dùng mạng xã hội để so sánh và đánh giá mức độ thành công hay thành đạt giữa mọi người với nhau, điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực khôn lường”, nhận định của Giáo sư Margaret Duffy, đồng tác giả của công trình nghiên cứu. Bà giải thích rằng:
Việc dùng mạng xã hội để theo dõi xem anh này kiếm tiền nhiều như thế nào hoặc chị kia đang hạnh phúc ra sao sẽ làm lây lan cảm giác ghen tị, dẫn đến chứng trầm cảm và những cảm giác bất hạnh”.
Trong một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Psychological Reports vào năm 2012, nhóm tác giả Andreassen và các cộng sự khám phá ra mối liên hệ giữa thói quen sử dụng mạng xã hội với tình trạng nghiện Internet và rối loạn thần kinh. Nhiều người nghiện Internet thường xuyên ngủ không đủ giấc hoặc mất ngủ vì bận tương tác với các mối quan hệ trên mạng xã hội. Chất lượng giấc ngủ giảm sút không chỉ dẫn đến nguy cơ trầm cảm, mà còn làm thay đổi hành vi con người theo chiều hướng tiêu cực.
Khắc phục bằng cách nào?
Mạng xã hội có lợi hay gây hại cho sức khỏe và cuộc sống con người, điều đó còn phụ thuộc vào cách thức chúng ta sử dụng chúng như thế nào. Mỗi người chúng ta đều có quyền làm chủ thói quen dùng mạng xã hội của mình và bảo vệ bản thân khỏi mặt tiêu cực của nó. Nếu những bài đăng và hình ảnh trên Facebook khiến bạn cảm thấy khó chịu, sau đây là bốn điều bạn có thể thực hiện:
- Khóa tài khoản Facebook của mình và ngưng sử dụng nó một thời gian (bạn luôn có thể mở khóa bất kỳ lúc nào).
- Ngừng theo dõi (“Unfollow”) những mối quan hệ trông có vẻ hạnh phúc hoặc thành công đến mức khiến bạn khó chịu, để những tin bài về họ không còn xuất hiện trên màn hình Facebook của bạn nữa.
- Lưu ý rằng những gì bạn nhìn thấy trên mạng xã hội không phản ánh cuộc sống thật của những người đó.
- Tắt máy vi tính, dành thời gian cho các hoạt động lành mạnh và các mối quan hệ có ý nghĩa của mình ngoài đời thực.