Tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV

05-10-2023 13:33 | Xã hội

SKĐS - Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS sẽ gây khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và tạo ra những hệ lụy khó lường...

Tác hại của kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về HIV/AIDS là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Do tâm lý sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS có xu hướng giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, sống thu mình, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS... Việc này khiến cho người nhiễm HIV không được tiếp cận điều trị hoặc dễ bỏ trị làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

BSCKI Vương Văn Phến, Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười cho biết, HIV là bệnh mạn tính, người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc đều đặn để ức chế virus. Nếu không được điều trị hoặc bỏ điều trị, uống thuốc không đều, không đúng chỉ định... sẽ không ức chế được virus, làm suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng, và tử vong. 

Tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV - Ảnh 1.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS có thể gây nhiều hệ lụy khó lường.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị trong cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí uất ức của người nhiễm HIV. Không ít người đã có những ý nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết để chấm dứt cuộc đời.

Ngoài ra, do không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng khó có được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch… gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Giảm kỳ thị giúp người nhiễm HIV lạc quan và sống có ích

Trước đây lây nhiễm HIV ở nước ta chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang có xu hướng tăng mạnh và trẻ hóa.

MSM là nhóm rất khó tiếp cận, nhiều trường hợp không dám lộ diện. Nguyễn Văn M. (20 tuổi, sống tại Kiên Giang), sau khi biết tình trạng bệnh của mình cộng thêm nỗi sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, sợ gia đình, bạn bè và xã hội biết nên nhiều lần em đã cố tìm đến cái chết. May mắn thay, có một tổ chức vì cộng đồng biết được trường hợp của em nên đã khuyên nhủ em nhiều lần. Đến nay, M. đã vực dậy tinh thần, tiếp nhận điều trị, sức khỏe ổn định, có công ăn việc làm nuôi sống bản thân.

Không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV chiến thắng sợ hãi và tuân thủ tốt điều trị, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh, tích cực, tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội. Chính họ có thể sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả, có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS…

Truyền thông - một giải pháp giúp xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV

Để chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử kỳ thị với người nhiễm HIV, ngành y tế và các bộ ngành liên quan đã tăng cường công tác truyền thông. Việc này làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh, hạn chế kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS... 

Bên cạnh đó, truyền thông còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó cũng góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS...

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Béo phì tiền mãn kinh: Nguy cơ chị em rất dễ mắc phải

Minh Tâm
Ý kiến của bạn