Tác hại của bia rượu và cách giải rượu cần thuộc 'nằm lòng' để Tết vui mà vẫn khỏe

22-01-2023 07:20 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Ngày Tết, chuyện rượu bia là điều khó tránh khỏi, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý những bí quyết để rượu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng nguy cơ bệnh tật.

Dịp Tết, trong bữa  liên hoan tất niên,   hay những bữa cơm sum họp gia đình, người ta thường uống rượu bia và các loại đồ uống có cồn.

Rượu được cho là thức uống giúp mọi người thêm gắn kết. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc vui như vậy, nhiều người thường cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo.

Họ thường uống hoặc ăn một số thức ăn hay đồ uống để tìm cách "giải rượu". Chuyên gia dinh dưỡng sẽ chỉ ra một số sai lầm khi tìm cách giải độc tố của rượu, tuy nhiên có những cách giải rượu có thể gây nguy hiểm hơn với cơ thể.

1. Uống rượu bia gây nhiều tác hại đối với cơ thể

Rượu gây nhiều tác hại đối với cơ thể cả về thể chất lẫn tinh thần. Uống rượu trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Rượu bia cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, đặc biệt trong những dịp lễ Tết. Rượu bia với số lượng ít gây hưng phấn thần kinh, tuy nhiên khi lạm dụng sẽ có tác dụng ngược lại gây ức chế thần kinh trung ương, lúc này tốc độ xử lý thông tin trở nên chậm chạp và bạn có thể đưa ra một số quyết định sai lầm. Khi lái xe vào thời điểm này, phản xạ trở nên chậm hơn, dễ gây tai nạn giao thông.

photo-1673336087742

Uống quá nhiều rượu dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông.

Uống rượu khiến cơ thể  mất nước. Khi uống nhiều rượu gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, rượu gây viêm gan và nghiện rượu có thể gây sẹo mô gan dẫn đến xơ gan.

Khi vào cơ thể, rượu chuyển hóa qua các bước, trong đó có tạo ra acetaldehyde, một chất được biết đến là chất gây ung thư. Đồng thời, rượu làm suy yếu khả năng phân hủy và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng khác về lâu dài gây rối loạn dinh dưỡng và tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác.

2. Thuốc giải rượu có thực sự giúp bạn "giải rượu" hay không?

Thường sau khi uống rượu bia, chúng ta có xu hướng tìm cái gì đó để "chuộc lỗi" cho cơ thể vừa mới nạp các chất độc vào. Mọi người thường mách nhau uống nước chanh, nước tăng lực hoặc nước giải rượu với mục đích làm loãng hoặc hóa giải các chất gây hại có trong rượu.

Hầu hết mọi người tin rằng thuốc giải rượu sẽ giải được hết các chất cồn mà mình đã nạp. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hết sức sai lầm.

Lý do thứ nhất, về cơ bản không có thực phẩm nào có thể thay chức năng của bộ phận thải độc của cơ thể. Khi cồn vào máu thì sẽ được thải qua đường hô hấp, mồ hôi, nước tiểu (sau khi đã chuyển hóa).

Tuy nhiên các loại nước giải rượu thường cung cấp vitamin nhóm B, kẽm và các chất chống oxy hóa là chủ yếu. Một số loại được quảng cáo là thay gan chuyển hóa cồn về mặt thực tế là chưa có cơ sở khoa học.

Thứ hai, thuốc giải rượu là thực phẩm chức năng chứ không phải là "thuốc" có tác dụng trị bệnh. Các thành phần của thuốc giải rượu có tác dụng hỗ trợ cơ thể chuyển hóa rượu thành các chất không gây độc chứ không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan trong cơ thể.

photo-1673336091464

Khi sử dụng thuốc giải rượu nhanh, người dùng không nên lạm dụng.

Thuốc giải rượu không làm mất tác dụng của rượu bia. Thành phần có trong thuốc giải rượu sẽ hạn chế được phần nào sự hình thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Nó còn có tác dụng giúp "chữa cháy" bằng cách bù đắp nguyên liệu để cơ thể đỡ mệt phần nào sau khi uống rượu.

Khi bạn uống rượu ở liều lượng thấp, các loại thuốc giải rượu có thể giúp tạm thời giảm các triệu chứng của say rượu như nhức đầu, mệt mỏi… Tuy nhiên, với những người uống nhiều rượu thì các chế phẩm này sẽ không bù đắp được bao nhiêu và các tác hại vẫn xuất hiện ở người sử dụng.

3. Lời khuyên của bác sĩ để những bữa tiệc có rượu luôn vui mà vẫn khỏe

photo-1673336093963

Vào những ngày Tết, rượu được coi là thức uống không thể thiếu trong các cuộc vui.

Khi uống rượu, tuyệt đối không được pha rượu với nước tăng lực, nước ngọt hay uống bia và rượu cùng lúc vì sẽ gây hấp thu nhanh hơn, đặc biệt nước tăng lực gây tỉnh táo giả, lúc này đã say xỉn rồi mà vẫn tỉnh sẽ hại nhiều hơn.

Trong khi uống rượu, có thể uống kèm nước hoặc nước canh để làm loãng rượu. Nên ăn nhẹ trước khi uống hoặc lúc uống có thể ăn các món như đậu phộng, hạt điều, rau, cá nhiều mỡ, phô mai…

Để đảm bảo quy trình thải độc, nên uống thật chậm, tầm 1h cơ thể đào thải 1 đơn vị cồn (gần 1 lon bia, 1 ly rượu nhỏ, 100ml rượu vang). Không nên uống dồn dập, cấp tập rượu bia trong thời gian ngắn. Có thể nói chuyện, ca hát, nhảy nhót giúp thải rượu bia nhanh hơn.

Nhớ uống nhiều nước sau khi nhậu: nước dừa, nước chanh muối, nước gừng giúp bù đắp điện giải tốt hơn hoặc dùng nước ép cà chua với liều 3-5 trái cũng có tác dụng tốt.

Uống quá nhiều rượu là 'tích luỹ' ít nhất 10 căn bệnh nguy hiểmUống quá nhiều rượu là "tích luỹ" ít nhất 10 căn bệnh nguy hiểm

SKĐS - Lạm dụng rượu có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Xem thêm video đang được quan tâm

5 cách uống nước giúp bạn giảm cân khi tập luyện.


ThS.BS. Đặng Ngọc Hùng
Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng
Ý kiến của bạn