Nhà văn Trần Đình Hiến nghiên cứu sâu về nội trị Trung Quốc. Ông am hiểu văn hóa truyền thống Trung Quốc tới mức có thể gọi ông là nhà Trung Quốc học. Trước khi là dịch giả văn học, ông từng công tác ở Bộ Giáo dục, là nghiên cứu sinh Hán ngữ cổ đại tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, là cán bộ nghiên cứu Bộ Ngoại giao, cán bộ đại sứ quán nước ta tại Bắc Kinh...
Năm 2001, thị trường sách nước ta lên cơn sốt cuốn Báu vật của đời của Mạc Ngôn do Trần Đình Hiến dịch. Tác phẩm này được xuất bản bằng tiếng Hoa lần đầu vào tháng 9/1995 (với tựa là Phong nhũ phì đồn - Vú to mông nẩy) và ngay trong năm ấy được trao giải thưởng cao nhất về truyện, trở thành một “hiện tượng” của văn học Trung Quốc. Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa thông qua các thế hệ trong gia đình Thượng quan. Từ những số phận khác nhau, lịch sử được tiếp cận với nhiều góc độ tạo nên sức sống, sức thuyết phục nghệ thuật của tác phẩm. Trước đấy Mạc Ngôn đã được thế giới biết đến qua tiểu thuyết Cao lương đỏ, được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim, giành Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Canne, Pháp năm 1994. Mạc Ngôn quả là may mắn khi có được người chuyển ngữ tuyệt vời như Trần Đình Hiến, làm cho ông được chú ý và ưa chuộng nhất trong số các nhà văn Trung Quốc đương đại ở Việt Nam. Báu vật của đời đã được dịch ra 18 thứ tiếng trên thế giới, trong lần tái bản vào năm 2003 của Nhà xuất bản Công nhân, Bắc Kinh, ở bìa 4 cuốn sách in hình 3 bản dịch được coi là xuất sắc nhất, có bản tiếng Việt, còn hai cuốn kia thuộc về tiếng Nhật và tiếng Italia tựa đều lấy theo nguyên tác. Riêng việc chọn tựa mới cho bản tiếng Việt, cũng cho thấy dịch giả rất nhạy cảm, để tác phẩm thích ứng hơn, phù hợp hơn với văn hóa Việt.
Một số tiểu thuyết của Mạc Ngôn và các tác giả Trung Quốc đương đại được Trần Đình Hiến dịch.
Mạc Ngôn tiêu biểu cho dòng văn học đổi mới trong khoảng 30 năm gần đây của Trung Hoa đại lục, có thể nói ông là người đầu tiên xóa bỏ “lễ trị” trong sáng tác văn học. Cũng năm ấy dịch giả Trần Đình Hiến được nhận giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch cuốn tiếp theo của Mạc Ngôn là Đàn Hương hình. Sau Báu vật của đời, Trần Đình Hiến trong vòng 4 năm chọn dịch tiếp 5 tác phẩm nữa mà ông cho là tiêu biểu nhất của Mạc Ngôn, đó là: Đàn Hương hình (viết về xã hội phong kiến dân trí thấp), Cây tỏi nổi giận (thái độ vô trách nhiệm với cuộc sống của nhà cầm quyền), Rừng xanh lá đỏ (tác động hai mặt của kinh tế thị trường), Tửu quốc (rượu chè be bét là ăn hết phần của con cháu) và 41 chuyện tầm phào (sự tha hóa về nhân cách nếu không được kiểm soát trong nền kinh tế thị trường). Những năm qua, không ít tác giả lao vào dịch tác phẩm ăn khách của Mạc Ngôn, nhưng do họ không chọn được tác phẩm “đỉnh”, hoặc là khả năng chuyển ngữ bị hạn chế, mà độc giả Việt Nam đã có thói quen nói đến Mạc Ngôn là nghĩ ngay đến dịch giả Trần Đình Hiến, như một “cặp đôi hoàn hảo”. Cũng có điều kiện dễ so sánh khi nhiều tác giả cùng dịch một cuốn, như trường hợp 41 chuyện tầm phào. Một nữ dịch giả đã thay tựa là Chuyện của cậu bé hay nói khoác, một dịch giả khác thì đổi thành Những chuyện không có thật. Chỉ riêng chuyện đặt tít ở trên, người đọc có dịp so sánh đều thấy sự cao tay trong chuyển ngữ của dịch giả họ Trần, bởi “pháo” còn là tiếng lóng trong tiếng Hoa, có nghĩa là chuyện tếu táo, chuyện tầm phào không quan trọng. 41 chuyện tầm phào là 41 chuyện lừa đảo, trí trá, gọi là tầm phào mà chẳng tầm phào chút nào! Chất uy-mua của nhà văn Mạc Ngôn là ở chỗ này. Ngoài Mạc Ngôn, ông còn dịch một vài tác giả khác đương thời mang dáng dấp tiểu thuyết định đề. Đó là: Lý Nhuệ với Cây không gió (sự phá sản của một học thuyết đương đại) và Ngân thành cố sự (bi kịch gia đình khi anh em ruột vô tình đứng trên hai chiến tuyến đối lập trong cách mạng); Trương Hiền Lượng với Cây hợp hoan (về cuộc sống và cảm nghĩ của người tù không án); Khương Nhung với Tô tem sói. Cuốn Tô tem sói khi dịch sang tiếng Việt được nhiều độc giả tìm đọc, bởi nội dung độc đáo, ngoài giá trị thẩm mỹ, độc giả còn thâu nhận qua tác phẩm hàng loạt những kiến thức bổ ích về văn hóa, văn minh du mục. Riêng với dịch giả Trần Đình Hiến, ông dịch Tô tem sói (tháng 3/2007) là để cảnh báo những hành động của nước láng giềng sẽ xảy ra trên biển Đông. Và quả nhiên điều ấy đã xảy ra!
Nhà văn Trần Đình Hiến nghiên cứu sâu về nội trị Trung Quốc. Ông am hiểu văn hóa truyền thống Trung Quốc tới mức có thể gọi ông là nhà Trung Quốc học. Trước khi là dịch giả văn học, ông từng công tác ở Bộ Giáo dục, là nghiên cứu sinh Hán ngữ cổ đại tại Đại học Tổng hợp Bắc Kinh, là cán bộ nghiên cứu Bộ Ngoại giao, cán bộ đại sứ quán nước ta tại Bắc Kinh... Mối quan hệ giữa tác giả Mạc Ngôn và dịch giả Trần Đình Hiến cũng rất lạ lùng: chưa hề gặp nhau, chưa hề gửi thư cho nhau, nhưng lại hiểu nhau khá cặn kẽ. Dịch giả nói, đó là ông đã làm theo tuyên bố của Mạc Ngôn tại Câu lạc bộ các nhà văn trẻ Giang Tô, rằng tác giả và độc giả không cần gặp nhau, chỉ cần hiểu nhau qua tác phẩm. Ông hiểu Mạc Ngôn qua tác phẩm tiêu biểu Phong nhũ phì đồn. Do đó mới có chuyện công nhận bản dịch Báu vật của đời là một trong ba bản dịch thành công nhất như Nhà Xuất bản Công nhân đã công bố. Nói vậy thôi, dịch giả Trần Đình Hiến từng hiểu cặn kẽ cuộc đời Mạc Ngôn. Năm 11 tuổi thất học, 10 năm chăn dê ngoài đồng, đói hoa mắt, cô đơn đến nỗi biến tất cả những vật vô tri vô giác thành bạn để trò chuyện. Ông theo dõi Mạc Ngôn từ truyện đầu tay Củ cải đỏ trong suốt (năm 1976 qua hàng trăm tác phẩm, đến Phong nhũ phì đồn (1995) thì quyết định giới thiệu Mạc Ngôn vào Việt Nam. Giờ đây tuy không ước hẹn gì, nhưng ông bảo còn nợ Mạc Ngôn một chuyện: dịch lại Phong nhũ phì đồn ấn bản tháng 9/2003. Tác giả đã bỏ hẳn một năm (2002) chỉnh sửa, lược bỏ những chỗ rườm rà và nâng cấp bản 1995, để rồi có thể tuyên bố: Tôi viết nhiều, nhưng để hiểu tôi, chỉ đọc Phong nhũ phì đồn là đủ! Và Mạc Ngôn gọi bản năm 2003 là bản thứ nhất (chứ không phải ấn bản đầu tiên năm 1995).
Nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến.
Ngày nay, dịch giả Trần Đình Hiến đã trở thành một dịch giả gạo cội về tiếng Trung, ông luôn tâm đắc câu của A.Kaida - nhà lý luận dịch thuật hàng đầu của Mỹ: “Dịch văn học thực chất là cuộc giao lưu giữa hai nền văn hóa. Một dịch phẩm thành công nhiều khi yếu tố văn hóa quan trọng hơn yếu tố ngôn ngữ”. Vai trò quan trọng của “bà đỡ mát tay” Trần Đình Hiến khi chuyển sang Việt ngữ, đã khẳng định được giá trị đích thực của tác phẩm, điều này càng được khẳng định khi Mạc Ngôn trở thành nhà văn của Trung Hoa đại lục đầu tiên được nhận giải Nobel văn học năm 2012.
Năm 2013, nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến tròn 80 tuổi. Các trò muốn tặng chữ thầy, không biết thầy thích chữ gì trong lễ thượng thọ? Khi được hỏi, nhà văn suy nghĩ giây lát, bảo: Tặng tôi chữ “đạt”. Tại sao không phải những chữ như “nhân”, “tâm”, “dũng”, “nhẫn”... thường thấy? “Đạt” trong chữ Hán đa nghĩa, là hiểu thấu, thông suốt... Các trò đều cho rằng, thầy Trần Đình Hiến đúng nhất với nghĩa “hiểu thấu”, vừa cho thấy bản chất khiêm nhường cùng sự uyên thâm về văn hóa hai nước Việt - Trung. Thầy thuộc lớp người “đạt sĩ thông nhân”!