Thiên tài chào đời tại ven biển Montreal, Canada. Đó là năm 1915. Bố mẹ - Abraham và Lescha, dân Do Thái Nga mới sau 2 năm nhập cư. Tại Sankt Petersburg họ thuộc tốp trên giới thượng lưu Nga, có biệt thự và đội ngũ người giúp việc. Mẹ Lescha thường luyến tiếc kể cho con trai Saul về ngôi nhà gỗ rợp bóng rừng thông ngoại ô của gia đình, nơi mọi người nghỉ ngơi cuối tuần. Bố Abraham chuyên nhập khẩu hành vào thị trường Canada. Việc kinh doanh mang lại thu nhập không đủ để duy trì cuộc sống của vợ và hai con nhỏ, vì thế ông phải làm thêm công việc cung cấp than cho lò bánh mỳ.
4 tuổi đọc thông viết thao
Như nhiều trẻ thơ Do Thái, tình yêu văn học xuất hiện ở Saul từ bài học Kinh thánh đầu tiên. Từ nhỏ Saul đã bộc lộ tố chất thần đồng. 4 tuổi bé Saul không chỉ biết đọc, mà còn làm chủ ngôn ngữ hebrew (tiếng Do Thái).
Nhiều năm sau người nổi tiếng nhớ lại, sở thích văn học của ông hình thành bởi các vở kịch của Shakespears và các tác phẩm văn xuôi của Tolstoy, Turgenev và Dostojevski do sự sắp đặt của bố. Trong khi mẹ Lescha mơ ước con trai trở thành nghệ sĩ vĩ cầm. Nhưng bé Saul hoàn toàn thờ ơ với âm nhạc. Mẹ lại ao ước Saul có sự nghiệp giáo sĩ, sau ngày con trai dứt khoát từ bỏ cây đàn vĩ cầm.
Saul Bellow - một trong những nhà văn Mỹ thú vị nhất.
21 tuổi là tác giả truyện ngắn, 61 tuổi đoạt giải Nobel
Năm 1924 gia đình chuyển đến Chicago. Khu phố Humboldt Park, nơi tác giả tiểu thuyết Herzog trưởng thành, đã hư cấu thành nơi khai sinh nhiều tác phẩm nổi tiếng của Saul Bellow. 17 tuổi, Saul Bellow bắt đầu viết bài cộng tác với các tạp chí cánh tả The Beacon và Soapbox thuộc Đại học Chicago. Truyện ngắn The Hell It Can’t trình làng văn học năm 1936 của tác giả Nobel tương lai là thông điệp chống chủ nghĩa phát xít đậm nét.
Ngày 18/4/1942 chiến tranh Mỹ - Nhật bùng nổ, Saul Bellow nhập ngũ, trở thành lính thủy đánh bộ. Năm 1944 ông xuất bản tiểu thuyết đầu tay Người lơ lửng, mô tả nhân vật không có địa vị xã hội, không có khả năng thích ứng, lửng lơ giữa đời. Sau Chiến tranh Thế giới II, Bellow giảng dạy và làm việc tại một số trường đại học, lần lượt sống ở New York, Paris và Roma. Từ năm 1962 Bellow định cư ở Chicago, tiếp tục viết văn. Ông được trao nhiều giải thưởng uy tín, trong đó có giải Guggenheim (1948) cho tiểu thuyết Nạn nhân, giải Pulizer 1976 cho Món quà của Humboldt. Tháng 1/1986 Saul Bellow được Chính phủ Pháp trao tặng giải thưởng văn học cao nhất dành cho các tác giả không phải công dân Pháp. Tột đỉnh, năm 1976 Bellow đăng quang giải Nobel Văn học vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển văn học Mỹ và thế giới bằng những tác phẩm mang tính nhân đạo sâu sắc có ngôn ngữ và văn phong bậc thầy.
30 năm đào tạo sinh viên tài năng đặc biệt
Chưa bao giờ tác giả Nobel Văn học từ bỏ đam mê giảng dạy. Từ Pháp trở về Chicago năm 1962, liên tục 30 năm tiếp theo Saul Bellow say mê làm việc trong nhóm giảng viên đào tạo những sinh viên tài năng đặc biệt. Hiếm thấy người cầm bút yêu nghề giảng dạy văn học như thầy Saul Bellow. Thậm chí cả sau thành công thương mại cực lớn lúc xuất bản thiểu thuyết Herzog (1964), khi nhà văn có thể sống thoải mái suốt đời, không cần làm việc, Bellow vẫn không từ bỏ lao động trên giảng đường, công việc ông coi như thành phần cấu thành sứ mệnh cuộc đời. Bất chấp sự giàu có của gia đình, tác giả Nobel Văn học vẫn không chối bỏ khu phố có hoạt động tội phạm nghiêm trọng nhất Chicago. Ông coi khu vực nhiều người tránh xa như chất xúc tác mài sắc tri giác nhà văn.
70 tuổi cưới vợ thứ 5, 84 tuổi đón con thứ tư chào đời
Cuộc sống riêng tư của Saul Bellow đầy ắp giông tố. Nhà văn có tới 5 lần làm chú rể, lần cuối năm 1985. Ông bước vào tuổi 70, khi bà vợ thứ tư, đồng thời là phu nhân nổi tiếng nhất, giáo sư toán học tài hoa đâm đơn ly hôn. Lý do: Đã nhiều năm thầy Saul Bellow say đắm bóng hồng Janis Freedman, thành viên nhóm sinh viên tài năng đặc biệt. Thiếu nữ trở thành trợ lý của giáo sư Bellow, sau đó thành phu nhân thứ năm của ông. 14 năm sau phu nhân Janis Freedman sinh cho lão văn hào 84 tuổi đứa con thứ tư, con gái Rosia. Janis là bà vợ duy nhất Saul không chia tay. Bà sống với ông đến cuối đời. Saul Bellow ra đi vĩnh viễn ngày 5/4/2005, hưởng thọ 90 tuổi.