Hà Nội

Tác giả Nobel nghĩ về thầy và văn học kinh điển

21-07-2020 14:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Camus viết thư cảm ơn thầy giáo thời tiểu học

Albert Camus chào đời ngày 7/11/1913 trong gia đình nghèo mù chữ ở ngoại ô Algiers (Angieria). 11 tháng tuổi, bố bé Albert, một công nhân sản xuất rượu vang tử nạn với tư cách lính động viên, trong những ngày đầu Chiến tranh Thế giới I. Cùng anh trai tác giả Nobel Văn học tương lai được mẹ tai nghễnh ngãng nuôi dưỡng. Ba mẹ con sống chung với bà ngoại khó tính và ông cậu liệt nửa người trong căn hộ hai phòng.

5 tuổi, bé Albert bắt đầu đến trường tiểu học, cậu may mắn được nhận vào lớp thầy Louis Germain nổi tiếng dạy giỏi và yêu trò. Phát hiện tiềm năng của trò, thầy Germain động viên Albert chăm chỉ học tập, thường xuyên cho trò mượn sách về nhà và vài năm sau giúp cậu giành suất học bổng tại trường trung học ở Thủ đô Algiers. Nỗ lực chăm sóc chu đáo của thầy Louis đã mở cho chàng trai trẻ con đường tu nghiệp tiếp theo, dẫn đến sự nghiệp văn chương với sự tôn vinh cao nhất dành cho một nhà văn.

Tháng 10/1957, khi biết tin Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ trao Nobel Văn học cho mình nhờ “đóng góp to lớn cho văn học, đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm nhân loại”, nhà văn đã gửi thư cho thầy giáo cũ, trong đó ông viết:

“Ngày 19/11/1957

Thưa thầy Germain kính mến

Thầy cho phép con tự khỏa lấp một chút ồn ào bủa vây xung quanh con trong những ngày này, trước khi con thưa với thầy tiếng nói từ trái tim con. Thưa thầy, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định sẽ trao cho con vinh dự lớn, giải thưởng con không hề có ý định tìm kiếm, cũng không cố sức phấn đấu.

Nhưng ngay khi biết tin vui, ý nghĩ đầu tiên của con, ngay sau mẹ, con nghĩ đến thầy. Thưa thầy, nếu thiếu bàn tay yêu thương thầy đã đặt vào thằng bé nhỏ thó, con nhà nghèo là con năm xưa, nếu thiếu sự dạy bảo tận tâm của thầy và tấm gương thầy tận tụy, con sẽ không thể có ngày hôm nay.

Con không phóng đại vinh quang này. Song tối thiểu nó cho con cơ hội, để nói với mọi người, thầy đã và mãi mãi là người thầy tuyệt vời của con và con khẳng định, nỗ lực của thầy, lao động của thầy và trái tim hào phóng của thầy vẫn sống trong con, một trong những học trò nhỏ năm xưa, nhân vật suốt đời nhớ ơn dạy dỗ của thầy. Con xin được phép ôm thầy với cả trái tim.

Trò Albert Camus”

Albert Camus.

Albert Camus.

Albert Einstein lý giải, tại sao nên đọc văn học kinh điển

Năm 1902 nhóm những người bạn bao gồm Albert Einstein, Conrad Habicht (nhà toán học Thụy Sĩ nổi tiếng) và Maurice Solovine (nhà triết học kiêm toán học lỗi lạc Rumani) bắt đầu tổ chức các cuộc gặp gỡ định kỳ mang tên Olympia Academy. Đó là câu lạc bộ phản biện và đọc sách, ở đó các nhà khoa học tiêu biểu của trí tuệ nhân loại đương thời thường xuyên có những cuộc tranh luận thâu đêm về triết học và phân tích tác phẩm nổi bật của các tác giả văn học kinh điển như: Cervantes, Spinoza, Racine và Sophocles. Sau nhiều năm, tác giả Nobel Vật lý 1921 khẳng định, đó là thời gian đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ và sự nghiệp khoa học của ông.

Trong bài đăng trong tạp chí “Jungkaufmann” Einstein viết:

“Nếu ai đó chỉ đọc báo, hoặc khá hơn, đọc cả sách văn học của các tác giả hiện đại, sẽ không khác gì người cận thị nặng không đeo kính. Người đọc như vậy sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào những định kiến và thiên hướng thời mình đang sống, bởi nhân vật không có cơ may nhìn thấy, hay nghe thấy điều gì khác. Và những gì người đọc dạng này tự nghĩ, sẽ không được chắt lọc qua những suy nghĩ và trải nghiệm của người khác. Hệ quả, mọi ý tưởng của họ đều tẻ nhạt và lỗi thời, lạc hậu. Cả trăm năm qua nhân loại chứng kiến không nhiều nhân vật khai sáng, có trí tuệ, phong cách sáng suốt, nhìn xa trông rộng và thị hiếu lành mạnh. Những gì giữ được trong tài sản văn hóa của họ đều thuộc về những báu vật quý nhất của nhân loại”.

Tuy nhiên tuyên ngôn trên không có nghĩa, Einstein né tránh các nhà văn hiện đại. Nhà vật lý vĩ đại là người ngưỡng mộ H.G.Wells (1866-1946, nhà văn người Anh nổi tiếng với những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng như: Cỗ máy thời gian, Chiến tranh giữa các thế giới, Người vô hình...), còn Bernard Shaw (1856 -1950, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học kiêm hoạt động chính trị nổi tiếng Ireland) được Einstein mệnh danh là “bác sĩ tâm hồn”. Nói chính xác hơn, Albert Einstein khuyến khích mọi người có cái nhìn văn học một cách tổng thể, toàn diện và cần đọc các tác phẩm văn học một cách tỉnh táo, hoài nghi với đủ loại quan niệm và tìm tiếng nói riêng của chính mình.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn