Tác dụng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh tra, nhỏ mắt

02-02-2016 15:17 | Dược
google news

SKĐS - Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường gặp ở mắt như viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc và viêm nội nhãn...

Các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường gặp ở mắt như viêm mi mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc và viêm nội nhãn... có thể điều trị tại chỗ bằng các thuốc kháng sinh. Tuy nhiên khi dùng các kháng sinh này, người bệnh cần lưu ý về những tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.

Dung dịch nhỏ mắt gentamycin 0,3%

Đây là dung dịch khá quen thuộc, phổ biến trong các nhà thuốc, được dùng điều trị bệnh viêm mi mắt, viêm kết mạc do vi khuẩn. Khi bị nhiễm khuẩn nhẹ và vừa, đối với trẻ em và người lớn nhỏ mắt 1 giọt, 2 giờ/lần. Giảm bớt số lần tra khi bệnh được kiểm soát và tiếp tục dùng thuốc 48 giờ sau khi đã khỏi hoàn toàn. Khi bị nhiễm khuẩn nặng, nhỏ mắt 1 giọt mỗi giờ. Giảm bớt số lần tra khi bệnh được kiểm soát, rồi tiếp tục dùng thêm 48 giờ sau khi đã khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc này cần thận trọng vì dùng kéo dài có thể dẫn đến quá mẫn ở da và xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc kể cả nấm. Cần ngừng thuốc nếu có hiện tượng chảy mủ, viêm hoặc đau tăng lên. Không dùng thuốc cho những người bệnh quá mẫn với nhóm kháng sinh aminoglycosid. Khi tra, nhỏ thuốc có thể gây bỏng rát, cảm giác châm đốt, ngứa, viêm da... Cần bảo quản thuốc tốt trong quá trình sử dụng. Nếu thấy dung dịch thuốc có kết tủa hoặc biến màu thì không được sử dụng.

Cần tư vấn cho người bệnh về những phản ứng phụ khi dùng thuốc nhỏ mắt.

Thuốc mỡ tetracyclin 1%

Thuốc được dùng điều trị nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu, điều trị đại trà bệnh mắt hột ở vùng có dịch, dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Để điều trị nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu, người lớn và trẻ em trên 8 tuổi, tra thuốc mỡ 3 - 4 lần/ngày. Dự phòng viêm kết mạc trẻ sơ sinh, khi trẻ mới sinh, lau sạch mắt bằng gạc tiệt khuẩn rồi tra thuốc mỡ vào từng mắt 1 lần duy nhất. Sau khi tra, cần nhắm mắt và xoa nhẹ để giúp cho thuốc mỡ trải rộng. Đối với bệnh mắt hột, người lớn và trẻ em (điều trị ngắt quãng), tra thuốc mỡ vào từng mắt 2 lần mỗi ngày trong 5 ngày, hoặc 1 lần/ngày trong 10 ngày. Tra thuốc như trên trong 6 tháng liền và nhắc lại nếu cần thiết. Khi cần điều trị tăng cường liên tục, tra thuốc mỡ vào từng mắt, 2 lần/ngày, trong ít nhất 6 tuần.

Không dùng thuốc cho người mẫn cảm với nhóm kháng sinh tetracyclin. Dùng thuốc kéo dài có thể dẫn đến tăng phát triển các vi sinh không nhạy cảm. Người bệnh có thể bị phát ban, cảm giác châm đốt (hiếm gặp), nóng rát... khi dùng thuốc.

Thuốc tra, nhỏ mắt neomycin

Thuốc này có hai dạng: dung dịch nhỏ mắt 0,25%; 0,5% và mỡ tra mắt 0,35%; 0,5%. Thuốc thường được dùng phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm loét giác mạc do vi khuẩn. Tuy nhiên, không dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi và người mẫn cảm với thuốc. Tránh dùng dài ngày vì dễ gây mẫn cảm. Người bệnh thường gặp hiện tượng ngứa rát, kích thích da khi dùng thuốc kéo dài hơn 1 tuần.

Thuốc tra, nhỏ mắt cloramphenicol

Cloramphenicol là kháng sinh phổ rộng có tác dụng với nhiều vi khuẩn gram âm và gram dương, dùng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bề mặt nhãn cầu như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc. Không dùng thuốc cho trẻ sơ sinh, trường hợp suy tủy hoặc quá mẫn với thuốc. Khi dùng, khoảng 3 - 6 giờ tra 1 lần, sau 48 giờ có thể giảm liều tùy theo hiệu quả điều trị. Thuốc hiếm khi gây kích thích tại mắt, nhưng dùng lâu dài có thể gây suy tủy.

Dung dịch nhỏ mắt bạc nitrat 1%

Để dự phòng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do Neisseria gonorrhoea hoặc Chlamydia trachomatis người ta dùng dung dịch bạc nitrat 1% khi không có sẵn tetracyclin. Sau khi lau sạch mắt bằng gạc tiệt khuẩn, nhỏ vào mắt của trẻ khi mới sinh 2 giọt vào từng mắt. Tránh dùng các dung dịch cũ, để lâu, đậm đặc. Cần lau sạch nếu thuốc rớt ở da, gần mắt để tránh nhuộm màu. Thuốc có thể gây kích thích da và niêm mạc, viêm kết mạc nhẹ, dùng lặp lại nhiều có thể gây biến màu da, tổn thương giác mạc, thậm chí gây mù...

Thuốc nhỏ mắt sulfacetamid natri

Thuốc dùng điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm bờ mi do vi khuẩn nhạy cảm gây ra; phòng nhiễm khuẩn sau khi lấy dị vật hoặc khi có tổn thương ở mắt. Nhỏ 2 - 3 giờ/lần, sau đó tùy theo đáp ứng có thể giảm liều thuốc. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi, mẫn cảm với thuốc. Cần lưu ý đối với những phản ứng quá mẫn hoặc phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm kể cả nấm khi dùng thuốc này. Thuốc có thể gây nóng rát hoặc xót tại mắt (ở mức độ nhẹ).

DS. Hoàng Thu Thủy


Ý kiến của bạn